Dưới đây là danh sách những loại trái cây Trung Quốc đang “đội lốt” hàng Việt Nam được bán tràn lan trên thị trường bởi đó là những loại quả phổ biến được người dân Việt Nam ưa chuộng.
Theo thống kê từ Bộ NN-PTNT, 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi ra hơn 107 triệu USD để nhập khẩu các loại trái cây từ Trung Quốc (khoảng 2.350 tỷ đồng), tăng 132% so với cùng kỳ năm 2016 (80,7 triệu USD).
Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cũng cho biết, Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam, thế nên, mùa nào thức ấy, Trung Quốc có quả gì Việt Nam hầu như đều nhập khẩu quả ấy về. Đáng chú ý, khi vào chính vụ, nhiều loại quả có số lượng nhập về lên đến hàng vài chục cho đến hàng trăm tấn mỗi ngày.
Vậy, ở thời điểm này những loại quả nào của Trung Quốc được nhập khẩu và bày bán tại các chợ nhiều nhất? Dưới đây là danh sách những loại quả đang được bày bán tràn ngập thị trường hoa quả Việt Nam:
1. Nho
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, năm 2015, chỉ tính riêng tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đã có khoảng 11.000 tấn nho Trung Quốc được nhập khẩu về Việt Nam. Thời kỳ cao điểm lượng nho Trung Quốc nhập khẩu qua cửa khẩu này lên đến 100 tấn/ngày.
Năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 15.000 tấn nho Trung Quốc các loại (nho xanh, nho đen, nho đỏ). Và tính đến đầu tháng 6 năm nay cũng đã nhập 2.000 tấn nho Trung Quốc dù chưa vào mùa cao điểm.
Lãnh đạo Cục này cũng cho biết, nho Trung Quốc được nhập về quanh năm, tuy nhiên, vào chính vụ thì lượng nho đổ về thị trường Việt nhiều hơn.
Thực tế, theo ghi nhận của PV, tại các chợ đầu mối, nho xanh, nho đỏ và đặc biệt là loại nho thâm đen đang được bày bán ngập chợ với bao giấy lót bên ngoài toàn chữ Trung Quốc. Loại nho này từ chợ đầu mối tới chợ dân sinh được bán dưới mác “nho Ninh Thuận” với giá 60.000-70.000 đồng/kg, riêng nho xanh không hạt giá rẻ hơn, dao động từ 35.000-40.000 đồng/kg tùy thời điểm.
Cách phân biệt nho Việt Nam (chủ yếu là nho Ninh Thuận) và nho Trung Quốc
Ở Việt Nam, Ninh Thuận được mệnh danh là xứ sở nho, nho Ninh Thuận có rất nhiều loại, trong đó hai loại ăn tươi là nho đỏ và nho xanh được bán phổ biến nhất.
Nho đỏ Ninh thuận hình cầu, trái to khoảng đầu ngón tay cái, vỏ nho rất mỏng, quả chín có màu đỏ tươi đến đỏ đậm, có vị ngọt hài hoà với vị chua nhẹ. Chùm nho thon dài và các trái gần như khít nhau trên 1 chùm, ít rời rạc. Trong khi đó, nho đỏ Trung Quốc trái to gấp đôi nho Ninh Thuận, quả chín có màu đỏ nhạt, có lốm đốm trắng trên vỏ, vị ngọt gắt. Các trái nho trên cùng 1 chùm rời rạc nhau, 1 chùm nho cân nặng khoảng 500g-700g/chùm.
Ngoài ra, nho đỏ Trung Quốc khi mua nhìn rất tươi ngon, đặc ruột nhưng nếu để trong tủ lạnh, sau khi lấy ra thì ruột sẽ trở nên bở và nhão. Nho Ninh Thuận thì ruột vẫn chặt, không bị nhão. Nho đỏ Ninh Thuận rất dễ nhận biết vì trái chỉ bằng một nửa so với nho Trung Quốc.
Nho xanh Ninh Thuận vỏ quả dày, vỏ quả có màu xanh vàng nhạt, thịt quả trong, hơi mềm, có vị ngọt đậm đà, chua rất nhẹ, ít chát. Trọng lượng từ 200g-500g/chùm, trái nho khít gần nhau, dùng tay ấn vào sẽ thấy quả săn chắc, không bị nhão. Còn nho xanh Trung Quốc vỏ quả mỏng, không có hạt, có vị ngọt gắt, ấn tay vào thấy trái nho mềm và mọng nước. Trái nho rời rạc trên 1 chùm.
Chị Thanh, một tiểu thương thường cung cấp trái cây ở chợ đầu mối Thủ Đức và Hóc Môn mách cách phân biệt rằng: “Loại nho xanh nhập từ Trung Quốc có vỏ bóng, mọng, không có hạt, vị ngọt lịm. Còn nho Ninh Thuận vị hơi chua, có hạt, vỏ dày. Nếu mua nho mà không có hạt mà ngọt thì chắc chắn đây không phải là nho Ninh Thuận”.
2. Mận
Đây là loại quả quá phổ biến, cứ ra chợ là thấy bán. Giá tùy thuộc vào từng loại, đơn cử như: mận cơm đường với giá 50.000 đồng/kg, mận đen khủng với giá 40.000 đồng/kg và mận đen róc hạt giá 45.000 đồng/kg.
Thế nhưng 100% loại quả này là hàng Tàu nha, Bộ NN-PTNT đã lên tiếng, và tiết lộ rằng chỉ trong năm 2016 Việt Nam nhập khoảng 9.100 tấn mận Trung Quốc qua các cửa khẩu Lạng Sơn và Lào Cai. Riêng mùa mận năm 2017, Việt Nam đã nhập khoảng 7.200 tấn mận Trung Quốc các loại.
Cách phân biệt mận Việt Nam và mận Trung Quốc
Màu sắc
Mận Trung Quốc có màu vàng mờ hoặc tím đen (mận lai). Trong khi đó, mận Việt Nam chín có màu đỏ sậm, loại mận Hậu có vỏ màu xanh, sờ mềm, ruột màu vàng, ăn chua. Một loại mận khác được thu hoạch tại huyện Bắc Hà thì có có màu tím nhạt, ruột đỏ, quả to bằng quả táo, vị chua.
Mận Việt Nam thường có lớp phấn trắng bên ngoài, đặc biệt khi vừa hái, còn mận Trung Quốc ít khi có. Bạn nên lưu ý chi tiết này khi chọn mận về ăn.
Hình dáng
Mận Việt Nam kích cỡ nhỏ, không đều, ngoại hình không đẹp còn mận Trung Quốc quả to, đẹp.
Hương vị
Mận Việt Nam thường có vị hơi chua, thanh, khi chín thì ruột ngọt nhưng phần vỏ vẫn hơi chua nhẹ. Mận Trung Quốc ăn ngọt, ruột mềm, nhũn hơn, khi để tủ lạnh thường bị nẫu ruột, ăn nhạt và không ngon.
Thời điểm
Toàn bộ mận Việt Nam đều ra hoa vào dịp đầu năm, kết trái tầm tháng 5 – 6 và hết mùa vào khoảng cuối tháng 7. Vì vậy, những loại mận sau đó đều là mận Trung Quốc. Nhiều người cũng có kinh nghiệm không nên mua mận đầu mùa vì nhiều khả năng có chất kích thích cho mận nhanh lớn. Nên mua chính vụ hoặc gần cuối vụ cho yên tâm.
3. Dưa lưới vàng
Trên thị trường Việt hiện có 2 loại dưa lưới vàng đó là loại quả tròn và loại dài. Với loại tròn thì là dưa lưới được trồng tại Việt Nam còn với dưa lưới quả dài hình bầu dục thì đích thị là hàng Trung Quốc. Trung bình mỗi ngày có tới 70-90 tấn dưa lưới vàng được nhập qua cửa khẩu về bày bán khắp các chợ.
Loại dưa này có đặc điểm vỏ màu vàng với những vết như đường kẻ trắng đan xen vắt chéo nhau. Dưa nặng khoảng 3-4kg/quả. Vào mùa dưa ăn ngọt sắc. Hiện dưa này được bán tại chợ với mức giá 30.000 đồng/kg, thời điểm dội chợ giá giảm chỉ còn 25.000 đồng/kg.
Cách phân biệt dưa lưới vàng Trung Quốc và dưa lưới Việt Nam
Ở Việt Nam, dưa lưới (dưa vàng) không được trồng phổ biến do những điều kiện thổ dương không phù hợp như Trung Quốc nên sản lượng thu hoạch và bán ra không nhiều. Bởi vậy, khi mua dưa lưới, bạn rất nên cẩn trọng, quan tâm đến một vài nguyên tắc quan trọng sau khi chọn mua.
Hình dáng bên ngoài
Dưa lưới vàng Việt Nam thường tròn, nhẹ hơn dưa vàng Trung Quốc.
Trong khi đó, dưa lưới vàng Trung Quốc thường có hình dáng thon dài. Ngoài ra, còn có dưa vàng Hami còn được gọi là dưa tuyết, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trái to, hình bầu dục, các vết lưới trên dưa rõ, màu trắng, đan xen. Thời gian bảo quản lâu do sử dụng hóa chất bảo quản.
Cân nặng
Trung bình các trái dưa trong nước nặng khoảng 1 đến 2kg, cùi dày, ruột dưa màu cam, vị ngọt thanh, ăn giòn. Thời gian bảo quản ngắn.
Vào thời kỳ chính vụ, dưa lưới vàng Trung Quốc thường nặng 3-4 kg/quả, có quả nặng tới 4,5 kg. Nếu không phải chính vụ, như thời điểm hiện tại, thì dưa lưới Trung Quốc chỉ nặng 2-2,5 kg/quả.
Vỏ dưa
Giống dưa lưới vàng có nguồn gốc từ Tân Cương, Trung Quốc có các vết lưới màu trắng đan xen với nhau, hiện rõ trên vỏ dưa. Đối với dưa Việt Nam, khi chín lưới chằng chịt hơn.
Đặc biệt, nếu để dưa vàng trong tủ lạnh, sau một thời gian, vỏ dưa Trung Quốc có chứa thuốc bảo quản thực vật sẽ héo dần đi, bị thâm đen, thậm chí có chỗ bị thối, vỏ mềm dần ra.
Mùi vị
Dưa lưới Trung Quốc ăn rất ngọt và cùi hơi mềm. Trong khi đó, dưa vàng Việt Nam ăn giòn, vị ngọt thanh và cùi dày hơn. Với những quả dưa bị tiêm các loại đường hóa học hay chứa hóa chất bảo quản, bạn sẽ thấy ruột quả nhanh chóng bị nhũn sau khi bổ dưa khoảng vài giờ.
4. Lựu
Ngày cao điểm, Việt Nam có thể nhập tới 100 tấn lựu từ Trung Quốc, bảo sao cứ đi đường là thấy những xe hoa quả bán rong, lựu Trung Quốc được bày bán la liệt với giá bán từ 40.000-45.000 đồng/kg lựu loại 1, loại 2 giá 30.000 đồng/kg.
Lựu Việt Nam (bên phải) màu hạt nhạt hơn, lựu Trung Quốc (bên trái) thường có hạt màu đỏ, đều nhau.
Cách phân biệt lựu Trung Quốc và lựu Việt Nam
Hình dáng
Lựu Trung Quốc có kích thước lớn hơn, vỏ ngoài mịn, căng tròn, màu trắng hồng. Trong khi đó, lựu trong nước thường nhỏ hơn, da sần sùi hoặc bị nám, vỏ thường có màu xanh, đỏ dần khi chín. Khi bổ quả lựu ra, lựu Trung Quốc thường có hạt đỏ rực, bắt mắt, các hạt đều nhau. Lựu Việt Nam tuy quả nhỏ nhưng hạt nhiều, hạt có màu nhạt hơn, nhiều nước, ăn vào thấy vị mát dịu. Dùng mũi ngửi hạt lựu bên trong sẽ thấy lựu trong nước có mùi thanh, lựu Trung Quốc thường không mùi hoặc mùi của hoá chất.
Bên trong lựu
Lựu Trung Quốc do phải vận chuyển nhiều, dùng nhiều chất bảo quản nên rất hay bị thối ở bên trong. Hạt lựu không cứng, chắc như lựu Việt Nam mà rất hay bị mềm nhũn, chảy nước, thậm chí là bị thối giữa. Khi mua về bảo quản không được lâu, rất nhanh hỏng.
Màu lõi lựu
Lựu Trung Quốc thường có hạt màu đỏ, rất đều nhau nếu mua dính quả lựu non thì tất nhiên nó có màu trắng hoặc trắng hồng rồi. Tuy nhiên lựu non thì chỉ là những quả bị lẫn, không nhiều lắm. Nói chung, phần lõi của lựu Trung Quốc trông rất bắt mắt.
Hạt lựu
Lựu Trung Quốc thì hạt không nhiều, phần vỏ và phần cùi dày, phần sơ ngăn cách giữa các khoang hạt cũng khá là dày. Khi ăn lựu Trung Quốc, hạt thường khô, ngọt đến ngọt đậm.
Trong khi đó, lựu Việt Nam tuy quả nhỏ nhưng hạt nhiều, hạt có màu nhạt hơn, nhiều nước, ăn vào thấy vị mát dịu.
Mùi
Dùng mũi ngửi hạt lựu bên trong sẽ thấy lựu ta có mùi thanh, đặc trưng, lựu Trung Quốc thường không mùi thơm mà thậm chí còn có mùi lạ của hóa chất.
Thời gian bảo quản
Do sử dụng nhiều chất bảo quản, lựu Trung Quốc thường có thời gian bảo quản lâu hơn, thậm chí vài tháng trời mà quả trông vẫn tươi. Vì thế, thời gian bán lựu Trung Quốc thường sớm hơn và dài hơn. Trong khi đó, lựu trong nước có thời gian thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau và nhanh bị hỏng, héo hơn.
5. Táo
Loại quả mà dân Việt ăn hàng thập kỷ nay mới biết chúng không phải là quả rừng trồng tại Hà Giang mà nhập từ Trung Quốc. Hiện tuy không phải chính vụ, song táo đá vẫn ồ ạt về Việt Nam, có giá sỉ chỉ 10.000 đồng/kg.
Cách phân biệt táo Việt Nam và táo Trung Quốc
– Táo Trung Quốc: quả thường có hình dáng tròn, được bọc trong lưới xốp, có nhiều hạt trắng mịn ngoài vỏ. Thường không có mùi gì, lòng táo màu vàng, trắng, ăn xốp và ngọt lợ lợ.
– Táo Việt Nam: vỏ mịn, ăn giòn, có vị ngọt dễ chịu và thơm.
Để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho gia đình, các bạn nên mua trái cây ở những cửa hàng uy tín và ngâm trái cây vào nước trong khoảng 30 phút trước khi ăn để giảm bớt độc tố nếu hoa quả bị phun chất kích thích.
Tú Linh (TH)