Ở xứ cờ hoa, diễn viên Khánh Hiền vẫn gói bánh chưng, làm các món ăn truyền thống để gợi nhớ hương vị quê nhà vào mỗi dịp Tết đến.
Những ngày cuối năm, diễn viên Khánh Hiền (sinh năm 1991) cảm nhận không khí Tết ở Việt Nam qua những hình ảnh đào, mai, bánh chưng mà bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội.
Để xua tan nỗi nhớ nhà, dịp Tết Nguyên đán năm nay, vợ chồng diễn viên Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tự tay gói bánh chưng, làm các món ăn truyền thống.
“Tôi nhớ Tết ở Việt Nam kinh khủng. Tôi nhớ những ngày chở mẹ đi mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, rồi làm mâm cỗ cúng ông bà Tổ tiên, đi du xuân… Ở đây, ngày Tết cũng như ngày thường, không khí tĩnh lặng, buồn tẻ”, chị kể.
“Buồn khi đón Tết xa quê”
Chia sẻ với Zing từ Mỹ, diễn viên Khánh Hiền kể năm nay, vợ chồng chị quyết định tự gói bánh chưng, bánh tét để đón Tết Nguyên đán. Cả nhà cùng quây quần rửa lá chuối, chuẩn bị nguyên liệu và ngồi cả đêm để canh nồi bánh chưng.
“Để gia đình có không khí đón Tết, tôi đã nghĩ ra việc làm bánh chưng, bánh tét. Đây cũng là trải nghiệm thú vị trên đất Mỹ khi cả nhà cùng gói bánh rồi thức thâu đêm chờ nồi bánh chín. Tôi cũng muốn dạy con trai của mình về một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam”, nữ diễn viên cho biết.
Chị cho biết những người Việt Nam ở Mỹ chỉ đón Tết Nguyên đán trong một vài ngày. Mọi người thường đến khu Phúc Lộc Thọ hoặc hội chợ sinh viên dành cho người Việt để mua sắm vật dụng, hoa, cây cảnh, đồ trang trí Tết.
“Tại đây cũng bày bán nhiều món ăn, thức uống của Việt Nam nên những người con xa quê đều đến để chụp ảnh, đi dạo, nói chuyện với nhau. Tôi ở hơi xa khu người Việt sinh sống nên không khí khá tĩnh lặng và buồn tẻ”, Khánh Hiền chia sẻ.
Đây là lần thứ 2 diễn viên sinh năm 1991 đón Tết ở xứ cờ hoa. Năm 2017, chị không về Việt Nam ăn Tết vì mang bầu con trai đầu lòng. Năm nay vì dịch Covid-19 nên mọi kế hoạch đoàn viên gia đình cũng bị hoãn lại.
“Năm đầu tiên phải đón Tết xa nhà, tôi buồn bã và bỡ ngỡ lắm. Vì ngày Tết ở bên này không khác gì ngày thường. Tôi nhớ nhà và bạn bè ở quê. Tôi chỉ biết cảm nhận không khí Tết Việt Nam qua hình ảnh mà mọi người đăng tải trên mạng xã hội”, cô kể.
Trong ký ức của chị, Tết Nguyên đán ở Việt Nam là dịp đoàn viên, sum họp. Mỗi người dù xa quê đều mong muốn trở về quây quần bên gia đình. Trước ngày Tết, Khánh Hiền đều chở mẹ đi mua sắm, chợ hoa và trang hoàng nhà cửa. Các thành viên trong gia đình bên nhau trong bữa cơm ngày cuối năm.
“Tôi nhớ những món ăn trong ngày Tết như thịt kho trứng, canh khổ qua, dưa kiệu muối… Lâu lắm rồi tôi không được ăn những món do mẹ nấu. Những ngày này, tôi thường xuyên gọi điện về động viên và hỏi thăm tình hình sức khỏe, việc chuẩn bị Tết của cha mẹ, hai em”.
Nữ diễn viên mong muốn thời gian tới, dịch bệnh được kiểm soát để cô có thể về Việt Nam, sum họp cùng gia đình.
“2020 là một năm quá đáng sợ. Mọi thứ dường như đóng băng lại và quá nhiều sự mất mát. Tôi mong cuộc sống sẽ sớm quay lại trạng thái bình thường. Chúc gia đình, bạn bè ở Việt Nam có một cái Tết thật an lành, ấm cúng bên gia đình”, Khánh Hiền nói.
“Nhớ không khí Tết Nguyên đán ở quê nhà”
Với diễn viên Đức Tiến, Tết Nguyên đán 2021 của cộng đồng người Việt ở Mỹ khác với mọi năm. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Mỹ nên mọi người đều ở nhà, không ra ngoài.
Anh sắp xếp công việc để được nghỉ trong 3 ngày, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Vợ chồng nam diễn viên mua chậu mai lớn, các loại hoa quả, bánh kẹo, mứt…
“Dù sống ở Mỹ, vợ chồng tôi vẫn đón Tết với các nghi thức, phong tục như ở Việt Nam. Ngày 30 Tết, tôi chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa”, Đức Tiến chia sẻ với Zing.
Lần thứ hai đón Tết xa nhà song diễn viên Diệu Hương vẫn không giấu nổi cảm xúc buồn, nhớ. Để gia đình có không khí ngày Tết, cô mua đào, bày mâm ngũ quả và chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống như gói giò, nấu thịt đông…
“Tất bật chuẩn bị nhưng vẫn không có không khí Tết giống như ở Việt Nam. Cảm xúc của tôi cứ bị trôi tuột. Năm mới chỉ nguyện cầu Covid-19 bị đẩy lùi để mọi người, mọi nhà được sống bình an, không lo sợ”, chị cho biết.
Sinh sống và làm việc nhiều năm ở nước ngoài nên hầu như Anh Đào Kính Vạn Hoa đều đón Tết xa quê. Hiện, cô là giảng viên tại hai trường cao đẳng và đại học ở Australia.
Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, cô đều xin nhà trường nghỉ phép một số ngày để đón năm mới cùng mẹ. Anh Đào dành thời gian để dọn dẹp nhà cửa, sắm quần áo mới, chuẩn bị mâm cơm cúng Tết và gọi điện cho người thân, bạn bè để “sum vầy online”.
“Với tôi, Tết Nguyên đán là dịp đặc biệt nhất của người Việt trong năm. Tôi nhớ không khí rộn ràng ngày Tết, nhớ mâm cơm cuối năm với nhiều món ăn ngon. Xa nhà nhiều năm nhưng cứ đến Tết, tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian để đón năm mới giống như người thân ở nhà”, Anh Đào kể với Zing.
Theo: zingnews.vn