Tết là dịp sum họp để mọi người hỏi thăm nhau sau một năm. Tuy nhiên, một số câu hỏi khiến người nhận vô cùng khó chịu.
Các câu hỏi gây khó chịu thường liên quan đến đời sống cá nhân của người được hỏi, điển hình như “bao giờ cưới”, “bao giờ đẻ”, “thưởng Tết nhiều không”, “lương tháng bao nhiêu”. Nếu đối tượng được hỏi là trẻ nhỏ, còn có các câu về học tập như “có được học sinh giỏi không”, “sắp tới định thi vào trường nào”.
Theo tiến sĩ tâm lý Đặng Hoàng Ngân (Hà Nội), câu hỏi nhiều khi không mang tính thu thập thông tin mà giống như một “lời chào”. “Người đặt câu hỏi mong muốn xây dựng mối liên hệ với người được hỏi. Nhưng nhiều trường hợp, chúng ta chưa biết nhiều về người kia nên đã lựa chọn công cụ dễ nhất là hỏi những câu xã giao kiểu đó, dẫn đến hiểu lầm”, bà Ngân lý giải.
Nếu người được hỏi nhìn nhận những câu hỏi trên như một “lời chào xã giao” thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu người được hỏi coi đó như thước đo về thành công, ví dụ như phải kết hôn mới hoàn thành nhiệm vụ cuộc đời, thì họ sẽ cảm thấy phiền toái.
Mức độ căng thẳng càng tăng nếu người hỏi cũng coi các câu hỏi này như một dạng “thước đo xã hội”. Khi hai bên đối thoại cùng tin vào “thước đo” này mà không có câu trả lời thỏa mãn, người hỏi có thể càng vi phạm sự riêng tư của người kia, bằng cách đặt thêm các câu hỏi như “tại sao chưa cưới”, “sau này thì sao”.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Xuân Phong (Hà Nội), các câu hỏi về chuyện cá nhân còn dễ đem tới cảm giác bị soi mói bởi thực tế, mỗi người đều có những chuyện không tiện giải thích cho người ngoài. Ví dụ, một cô gái ngoài 30 tuổi chưa lấy chồng có thể do bị ám ảnh bởi mối quan hệ độc hại trước đó. Hay một đứa trẻ không được học sinh giỏi có thể do bị bắt nạt ở trường học, dẫn đến ức chế tâm lý.
“Không hiểu bối cảnh thực sự, mọi câu hỏi xã giao chỉ đơn giản là những vết cắt vụng về nhằm thu thập những mảnh vụn thông tin mà người hỏi không thực sự quan tâm mà người trả lời thì cũng không mấy dễ chịu”, ông Phong đánh giá.
Các chuyên gia nhận định “thói quen đặt câu hỏi thiếu tế nhị” cần được thay đổi.
“Mọi thay đổi hành vi xuất phát từ ý thức trước”, tiến sĩ Ngân nói. “Khi giao tiếp ngày Tết, nếu mỗi người ý thức rằng mọi câu hỏi của mình hướng đến xây dựng liên hệ với người khác và câu hỏi thiếu tế nhị là hình thức vi phạm sự riêng tư cá nhân thì bản thân sẽ lựa chọn chủ đề phù hợp hơn để chào hỏi nhau”.
Cũng theo bà Ngân, nếu hai bên không biết rõ nhau và không có nhiều nhu cầu bồi đắp mối quan hệ thì không cần đặt áp lực phải nghĩ ra chuyện để nói. “Sự im lặng lịch sự đã là một hình thức tôn trọng mình và người khác rồi”, chuyên gia cho biết.
Trường hợp vẫn muốn hỏi thăm, thạc sĩ Phong gợi ý bạn nên dựa trên nguyên tắc cơ bản “Tết chỉ nói chuyện vui vẻ, dễ chịu” để đưa ra những câu hỏi theo hướng tích cực. Ví dụ, bạn có thể hỏi người kia điều vui nhất trong năm qua là gì, họ vượt qua năm vừa rồi thế nào, điều ước của họ trong năm tới. Với trẻ nhỏ, người lớn có thể vừa hỏi vừa khuyến khích sự sáng tạo của các con bằng câu hỏi: “Nếu miêu tả năm qua như một con vật, con sẽ chọn con gì”.
Sau khi nhận được những câu trả lời, đừng bình phẩm mà hãy công nhận chúng, sau đó gửi lời chúc tụng. Như vậy, người được hỏi không những không phiền lòng mà còn cảm thấy được chia sẻ, lắng nghe.
Cũng nên lưu ý rằng, nếu những câu hỏi tế nhị trên xuất phát thực sự từ sự quan tâm, thân thiết của cả người hỏi và người được hỏi thì không nên quá nặng nề.
“Điều quan trọng vẫn là thái độ khi đặt câu hỏi”, tiến sĩ Ngân nhấn mạnh. “Mọi câu hỏi với thái độ yêu thương, quan tâm, tôn trọng thì người được hỏi chắc chắn nhận ra và cùng ta xây dựng một câu chuyện đầu xuân ấm cúng”.
Minh Trang