Chuẩn bị khi về già

11

 

Quan điểm về già ở cùng con cháu để vơi bớt nỗi buồn, có người thân hỏi han, chăm sóc… đang dần thay đổi. Ngày nay, nhiều gia đình sinh ít con, nhất là ở những thành phố lớn, nên nhiều người đã chuẩn bị sẵn cho mình khi về già, với điểm đến là viện dưỡng lão hoặc kiếm đủ tiền để sau này thuê nhân viên y tế hỗ trợ theo giờ…

Lên kế hoạch từ sớm

“Những năm trước, vào dịp Tết Nguyên đán, mình sẽ ghé nhà ba mẹ – sát nhà mình để chúc tết, sau đó thong thả cùng bạn bè đi du lịch đầu xuân. Năm nay dịch bệnh, mình sẽ ở nhà đọc sách, xem phim, đến thăm ngôi nhà cùng mảnh vườn đã mua ở Long An cách nay 15 năm”, chị Lê Kim Sương, 51 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM chia sẻ.

Căn nhà vườn của chị Sương có diện tích hàng trăm mét vuông, xung quanh líu lo chim hót. Trong nhà thiết kế ngăn nắp, tạo điểm nhấn với những món đồ lưu niệm từ khắp nơi trên thế giới. Để có ngôi nhà trị giá vài chục tỷ đồng như hiện nay, chị đã phải nỗ lực bươn chải.

Chị Sương nhớ lại: “Mình đã tự mua được nhà bằng hình thức trả góp và may mắn dứt nợ trong 5 năm. Vào thập niên 1990 thế kỷ trước, mảnh đất này rất rẻ, còn giờ động vào “phỏng tay”. Mình xác định sống độc thân nên chuẩn bị thật kỹ khi về già, đề phòng bất trắc, dù mình đã mua bảo hiểm đủ loại”.

Câu chuyện của chị Sương không phải ngoại lệ, khi ở TPHCM số người trẻ sống độc thân có chiều hướng gia tăng. Họ gắn bó, đam mê công việc mà quên mất cần tổ ấm nhỏ của riêng mình.

“Bạn mình ở lứa tuổi U.50, U.40… độc thân rất nhiều. Khả năng về tài chính của họ khá tốt, do làm việc lâu năm, có tích lũy”, anh Văn Lê, giám đốc một công ty tài chính ở quận 6, TPHCM, cho biết. Đáng chú ý, xu hướng những người lớn tuổi, đã có gia đình, con cháu đề huề cũng lên kế hoạch cho hành trình tuổi già phía trước của mình ngày càng nhiều.

Ai cũng mong muốn có tuổi già vui khỏe, hạnh phúc bên con cháu

Ông Nguyễn Văn Sơn (59 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cho hay, vài năm nữa sẽ cùng vợ về huyện Củ Chi sống. Hiện 2 con của ông Sơn đều du học và lập gia đình, sinh sống ở Canada. “Lâu lâu sang thăm chúng thì vui, còn ở lại Canada sẽ rất buồn. Trước đây tôi có mua mảnh đất gần 1.000m2 ở huyện Củ Chi để chuẩn bị hậu nghỉ hưu sẽ về đào ao, thả cá, trồng rau, vui thú điền viên”, ông Nguyễn Văn Sơn nói. Ngay từ khi các con còn nhỏ, ông Sơn đã dạy chúng biết trân quý đồng tiền và tự lập. Sau này, chúng đi học xa vẫn giữ nếp ấy, chi tiêu tiết kiệm, tự tích lũy tài chính cho bản thân. Ba mẹ nuôi ăn học suốt thời gian dài, có kiến thức và sức khỏe thì tự bươn chải, chăm lo cho chính mình. Còn vợ chồng ông Sơn tự lo cho nhau để con cái khỏi vướng bận.

Tuổi già không vướng bận

Bà Lương Thu Oanh, 82 tuổi, mẹ chị Lê Kim Sương cho rằng, các cụ già thường có tâm lý chung là muốn ở với con cháu để có người an ủi, chăm sóc, nhưng riêng bà suy nghĩ hiện đại hơn. Bà mong rằng con cháu của bà có không gian riêng để chúng phát triển, “bay nhảy” khắp nơi.

“Do vậy, tôi chẳng cần chúng phải lo cho mình. Chúng chỉ cần chăm lo thật tốt gia đình nhỏ của mình và biết hỏi thăm, quan tâm đến cha mẹ chúng là đủ rồi. Vợ chồng tôi chủ động tích lũy khi còn trẻ nên tuổi già không đáng lo”, bà Oanh nói.

Theo bà Oanh, các con của bà hiện đều thành đạt, các cháu chăm ngoan, học giỏi nên đó cũng là niềm an ủi lớn đối với bà. Vừa qua, bà Oanh có nhờ chị Sương đi khảo sát các viện dưỡng lão, điều kiện chăm sóc, mức phí… để vợ chồng bà xem xét. Có thể vài năm nữa, bà sẽ sinh sống ở viện hoặc thuê các y tá có chuyên môn nghiệp vụ hỗ trợ tại nhà riêng.

“Con cháu đều bận, mà nếu có thời gian, chúng chăm người già cũng cực lắm, bởi người cao tuổi thường khó tính, khó chiều. Mình tới viện sống cùng các bạn già, ôn lại kỷ niệm trước đây sẽ thấy vui. Bệnh tình đã có bác sĩ, y tá đủ chuyên môn theo dõi”, bà Lương Thu Oanh nhìn nhận.

Anh Nguyễn Minh Tân (56 tuổi, ngụ quận 11, TPHCM) cũng kể lại câu chuyện gia đình mình, khi mẹ anh đang tìm mua mảnh đất ở Củ Chi (TPHCM) hoặc Long An để xây viện dưỡng lão cho người quen, mà trước hết là để bà ở. Bản thân anh Tân cũng độc thân nên chủ động cho tuổi già bớt nhạt nhẽo bằng cách quy tụ những bạn bè đồng nghiệp có cùng quan điểm, tìm thông tin về những viện dưỡng lão, cho tương lai của mình.

“Mình rất thích đọc sách, đi du lịch với bạn bè, tìm hiểu những điều mới mẻ… Do vậy, mình sẽ nỗ lực chào đón tuổi già một cách tích cực, vui vẻ nhất. Đi chơi, thăm thú các vùng miền mình thích là những điều mình đã và đang làm”, anh Nguyễn Minh Tân thích thú chia sẻ.

Thực sự, không phải ai cũng có sự chuẩn bị chu đáo cho tuổi già đã và sẽ đến, bởi nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn các khách quan. Do vậy, rất cần sự chủ động ngay từ khi còn chưa quá già yếu, khi ai cũng còn đủ sáng suốt cho lựa chọn của mình.

Ngày nay, như tâm sự của bà Lương Thu Oanh – với công nghệ hiện đại, chỉ cần nhấc điện thoại lên thì cách xa nửa vòng trái đất đều dễ dàng thấy mặt nhau, nghe được giọng nói từ người thân, bạn bè. Vì vậy, theo nhiều người, đừng tạo vướng bận cho chính mình hay con cái, người thân.

NGỌC ÁNH

SHARE