Từ khi ngành nail tại California bị đình trệ vì COVID-19, nguồn thu nhập của cô Lê Quỳnh Nhi, một chuyên viên nail, bị cắt đứt hầu như hoàn toàn. Nhưng điều đó không gì cản cô làm việc thiện được.
Trường hợp của cô rất trớ trêu. Vừa sang một tiệm nail, cũng ở Newport Beach hồi Tháng Hai, cô phải phải trả tiền đất mỗi tháng $6,000. “Hằng tháng, vừa mất tiền lương vừa phải mất $6,000 ‘tiền hụi chết,’ hoàn cảnh của gia đình tôi trở nên khó khăn,” cô nói. “Tôi sống một mình với hai đứa con. Con gái tên Mindy, 13 tuổi, và con trai tên Bodhi vừa lên ba.”
Trước đại dịch COVID-19, và trước khi sang tiệm riêng, cô Quỳnh Nhi làm tại tiệm Holly and Hudson ở Newport Beach.
Tiệm cô mới sang có tên là Darling Studio, vừa nhận làm nail, vừa nhận làm lông mi. “Cùng với một ‘partner,’ tôi bỏ ra mấy chục ngàn đô la sang tiệm. Chưa kịp làm gì thì California bị đóng cửa,” cô nói.
“Trước khi sang, chúng tôi biết rằng muốn cho tiệm được hoàn chỉnh trước khi mở cửa đón khách thì phải bỏ ra khoảng $80,000 nữa,” cô cho biết. “Với tình hình như bây giờ, ai mà dám bỏ thêm tiền vô tiệm nữa. Mà không bỏ thêm thì không thể mở cửa.”
Dù rằng chính phủ có nhiều chương trình giúp đỡ giới tiểu thương nhưng cô không thuộc diện được cứu xét.
Đây là nỗi lo chung của tất cả các chủ tiệm làm đẹp trên toàn quốc. Rất nhiều người bị lâm vào trường hợp “bỏ thì thương mà vương thì tội” này. Rõ ràng là không ai có kinh nghiệm gì về thời kỳ hậu COVID-19 cả.
Thế nhưng, cô Lê Quỳnh Nhi, thay vì ngồi nhà than vắn thở dài, lo âu cho đời sống ba mẹ con mình, lại xắn tay áo bỏ tiền túi ra mua vải về may khẩu trang cho bạn bè và mua thức ăn về nấu cho nhân viên bệnh viện quanh Little Saigon từ tiền “COVID-19 stimulus” do liên bang trợ cấp.
May khẩu trang “dụ dỗ” trẻ em
Khẩu trang cô may luôn nói lên lòng quan tâm đến “mốt,” đến “fashion.” Cô chia sẻ: “Dĩ nhiên khẩu trang là để giữ vệ sinh công cộng, nhưng tôi nghĩ nếu nó đẹp mắt, nếu nó dễ nhìn thì khi đeo vẫn thấy thích hơn. Cái nào hợp với quần áo thì lại hay hơn nữa.”
Rồi cô quan tâm đến các em nhỏ. Khẩu trang cô may cho các em không phải là những cái của người người lớn với kích thước thu nhỏ mà phải có sức hấp dẫn các em nữa.
“Thấy con nít khó kiếm khẩu trang nên tôi muốn may cho tụi nó,” cô nói. “Và để trẻ em tự muốn đeo chứ không cần cha mẹ bắt, tôi phải lựa vải có màu sắc vui mắt và phải có thêm ‘design’ hấp dẫn nữa.”
Thường, cô đợi Bodhi, đứa con trai 3 tuổi, vô giường ngủ mới bắt đầu may, thường là cả đêm. Khi thì cô may với vài người bạn, khi thì cặm cụi một mình. Vì khẩu trang cho trẻ em vừa nhỏ, vừa cần chọn vải, cần “design” nên may rất chậm. “Đến giờ, tôi may được có chừng 700 cái thôi,” cô lẩm nhẩm tính.
Nấu món ăn “gia truyền”
Thực sự, cô Quỳnh Nhi không xa lạ gì với chuyện nấu thức ăn giúp người khác. “Hồi 7, 8 tuổi, tôi thường phụ ba tôi nấu thức ăn vào ngày rằm hằng tháng để phát cho người nghèo,” cô kể. “Lúc ấy, nhà tôi ở quận Nhất, phường Phạm Ngũ Lão.”
Có lần cô hỏi cha rằng mình đã mua gạo, mì gói và nước tương cho họ rồi, tại sao phải nấu thức ăn nữa. “Ba tôi nói người nghèo không có gì ăn, tội lắm. Mình có cho thêm tiền, họ cũng không dám mua thức ăn nên phải làm vậy thì họ mới chịu ăn,” cô nhớ lại.
Chưa hết, cô còn được cha dạy thêm một điều nữa. Cô kể: “Ba tôi còn nói là mình làm thức ăn để họ ăn cho ngon miệng, thì đó cũng là niềm vui của mình.”
Món ăn cha cô nấu được nhiều người hưởng ứng nhất là heo quay kho nước dừa.
Ông đã qua đời nhưng những gì ông dạy con gái vẫn còn đó trong lòng Quỳnh Nhi.
Từ trước khi có dịch COVID-19, cô vẫn cung cấp thực phẩm nóng hổi cho người vô gia cư. Nhưng trong thời gian khó khăn này, cô nấu thức ăn cho cả người nghèo lẫn những chiến sĩ tuyến đầu (nhân viên y tế, bác sĩ, y tá…).
Dĩ nhiên, trong những món ăn, cô không quên món “gia truyền” do cha mình để lại. “Để làm món heo quay kho nước dừa, tôi mua thịt về ướp hết một ngày, quay một ngày và kho một ngày. Dĩ nhiên tôi làm việc khác chứ không quanh quẩn trong bếp nhưng cũng rất tốn thời gian,” cô nói.
Những món khác cô làm là cơm chiên, bò kho, cà ri, mì xào, mì xá xíu, chả giò…
Những nơi cô thường đem thức ăn đến là các bệnh viện ở Anaheim, Orange và bệnh viện CHOC. “Và những nơi tôi giúp ‘homeless’ là các nhà thờ quanh vùng hay ở tòa thị sảnh Santa Ana hay các nơi họ đến tắm rửa. Tại chỗ này, tôi canh giờ họ vừa tắm xong là ra ăn liền,” cô cho biết.
Cũng như khi may khẩu trang, khi nấu thức ăn, cô thường được vài người bạn đến phụ giúp.
Có lẽ cô muốn bận rộn luôn tay để không phải suy nghĩ đến vấn đề tiền bạc khi phải mở cửa tiệm.
Vì mới sang tiệm nên cô không mượn được tiền của chính phủ để sửa sang. “Phải đứng tên tiệm từ sáu tháng trở lên mới có thể mượn tiền trong lúc tôi và ‘partner’ mới lấy tiệm hồi Tháng Hai thôi,” cô nói.
Chưa biết sẽ phải làm gì với Darling Studio nhưng cô Lê Quỳnh Nhi vẫn tiếp tục làm việc thiện trong thời gian hiện tại.
“Tôi không thích ngồi ủ dột vì bản tính tôi luôn năng động và tôi tin rằng cuộc sống luôn tươi đẹp,” cô Quỳnh Nhi nói với nụ cười tươi tắn trên môi. [qd]