Tôi làm thạc sĩ ở Mỹ dù 10 năm sợ tiếng Anh

15

Tôi từng bị gia đình và thầy cô hoài nghi về việc học tiếng Anh của mình vì không có khiếu ngoại ngữ và cực kỳ sợ tiếng Anh.

Có ý kiến cho rằng người có khiếu học ngoại ngữ sẽ phát âm tốt hơn người không có khiếu ngoại ngữ. Trường hợp này có thể đúng với một số cá nhân. Tôi là người từng bị gia đình và thầy cô hoài nghi về việc học tiếng Anh của mình vì tôi không có khiếu ngoại ngữ và cực kỳ sợ tiếng Anh. Hơn nữa, tôi học tiếng Anh cũng khá muộn. Nhưng khi tôi học cao học ở Mỹ và Australia, các bạn bản xứ vẫn đánh giá cao khả năng phát âm của tôi. Bí quyết đơn giản là tôi không ngừng luyện tập theo kỹ thuật này. Đến tận bây giờ, hàng ngày tôi vẫn dành ít nhất 10 phút luyện âm. Và tôi tin rằng các bạn cũng có thể làm được và thậm chí làm tốt hơn tôi nhiều.

Khi bạn nói tiếng Anh, không cần biết vốn từ và ngữ pháp của bạn ra sao nhưng phát âm của bạn đúng (hay) luôn để lại ấn tượng cho người đối diện. Tôi bắt đầu học tiếng Anh một cách nghiêm túc lúc đã 17 tuổi. Lúc đó, tôi có thể đọc và viết nhưng rất sợ nghe và nói. Tôi tìm hiểu và mới biết tiếng Anh có các âm mà tiếng Việt không có, đặc biệt là các âm đuôi. Việc học phát âm càng khó khăn khi tôi không có cơ hội giao tiếp với người bản xứ và cũng không có internet hay ứng dụng luyện âm như ngày nay. Trong tay tôi chỉ có một cái radio cũ. Nhưng nhờ ngày nào tôi cũng mở đài và luyện âm bằng kỹ thuật Shadowing mà tôi đã làm thầy cô và các bạn ngạc nhiên sau một học kỳ. Điểm thi môn nói và thuyết trình của tôi được cải thiện đáng kể một phần nhờ phát âm của tôi.

Khi trở thành cô giáo dạy tiếng Anh, tôi luôn hướng dẫn học viên của mình thực hành phương pháp này để luyện âm. Có những thành công đáng kể nhưng cũng có nhiều phản hồi từ các học sinh rằng: “Vì sao em luyện Shadowing thường xuyên mà phát âm của em không có tiến bộ?”. Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ bàn luận một số lý do vì sao luyện âm Shadowing chưa có hiệu quả cao.

Trước tiên, tôi sẽ giải thích cơ bản về kỹ thuật luyện âm Shadowing, tạm dịch là kỹ thuật “cái bóng”. Kỹ thuật luyện âm Shadowing được phát triển bởi giáo sư người Mỹ Alexander Arguelles. Ông là người sử dụng kỹ thuật này trong việc dạy học và tự học ngoại ngữ của mình. Kỹ thuật shadowing nghĩa là người học vừa nghe vừa lặp lại hoàn toàn ngữ điệu, nhịp điệu và cách phát âm của người nói. Như vậy, đơn giản là người học mở một đoạn văn hay một đoạn hội thoại (có scripts) rồi vừa nghe vừa bắt chước đọc theo cùng lúc với người nói.

Đơn giản vậy sao lại không có hiệu quả? Có thể bạn đã mắc phải những lỗi cơ bản sau khi thực hành luyện âm theo kỹ thuật Shadowing:

1. Không cần tìm hiểu cách phát âm từ trong tiếng Anh: Nhiều người học bỏ qua bước này. Vì vậy, họ phát âm các âm tiết trong tiếng Anh thành từng đơn vị riêng biệt từ như tiếng Việt trong khi tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm – một từ có thể có nhiều âm tiết và không được phát âm các âm tiết đó tách rời. Ví dụ, từ “singer” có hai âm tiết và được phát âm liền với nhau. Hơn nữa, các từ từ hai âm tiết trở lên có trọng âm, trong khi tiếng Việt không có. Ví dụ, “singer” thì trọng âm nhấn ở âm tiết thứ nhất (sing). Thêm vào đó, các từ trong tiếng Anh có thể được kết nối với nhau và đọc liên hoàn. Ví dụ, “thank you” được đọc là ‘ˈθæŋk juː’ với sự kết nối âm “k” và “j”… Đây là một vài ví dụ cơ bản cho thấy người học cần trang bị cho mình kiến thức cơ bản về ngữ âm học trong tiếng Anh để luyện âm có hiệu quả.

2. Vừa nghe vừa lặp lại ngay lập tức: Theo giải thích ở trên, người học cần thực hiện song song việc vừa nghe vừa bắt chước người nói. Nhưng đối với người bắt đầu học, cần nghe qua ít nhất một lần (vài lần càng tốt) để có thể thẩm thấu về cách phát âm, ngữ điệu của người nói… sau đó mới lặp lại. Mục đích là để bộ não thích nghi và tiếp nhận sự thử thách mới. Khi người học quen dần với kỹ thuật này thì sẽ thực hành “Shadowing” cùng lúc với người nói.

3. Sử dụng bất kỳ bài văn hay hội thoại nào trong lúc tập: Việc chọn bài để thực hành rất quan trọng. Nếu chọn bài/ hội thoại quá dài và có quá nhiều từ mới, người học sẽ dần mất hứng thú khiến việc luyện tập càng thêm “khó nuốt”. Tùy vào trình độ tiếng Anh của mình, người học cần chọn những scripts đa dạng về nội dung, từ vựng và có độ dài vừa phải. Hơn nữa, tốc độ người nói cũng rất quan trọng. Nếu chọn người nói quá nhanh, người học sẽ cảm thấy bị đuối và dễ bỏ cuộc. Những người mới bắt đầu có thể chọn những hội thoại cơ bản hoặc câu chuyện vui để tăng cường sự hứng thú cho việc luyện tập.

4. Không cần luyện âm qua các hình thức khác: Như đã giới thiệu, đoạn văn và hội thoại thường được chọn để thực hiện kỹ thuật Shadowing. Nhưng người học hoàn toàn có thể áp dụng kỹ thuật này qua các bài hát, bảng tin, kịch hoặc phim có phụ đề. Đặc biệt, khi luyện âm với kịch/ phim, người học có thể bắt chước biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể của nhân vật. Càng cọ xát nhiều, người học càng cải thiện được phát âm của mình và dần đạt đến sự tự nhiên và trôi chảy cần có trong giao tiếp.

5. Không cần làm ‘bài tập’: Khi luyện âm bằng kỹ thuật này, người học thường gặp những từ vựng và cấu trúc mới. Nếu chịu khó ghi chú lại để học sâu hơn, người học sẽ phát triển thêm vốn từ vựng và ngữ pháp. Bài tập có thể là tóm tắt bài vừa thực hành bằng cách viết hoặc nói, sử dụng những từ và cấu trúc trong bài đó. Người học có thể ghi âm bài nói của mình để kiểm tra mức độ phát âm của mình đến đâu.

6. Không luyện tập thường xuyên: Đây là vấn đề khá nhiều người học mắc phải và là một trong những lý do chính khiến việc thực hiện kỹ thuật này không có hiệu quả. Có người thực hành khá dài trong một ngày, rồi cả tháng sau mới luyện tiếp. Chỉ cần mỗi ngày dành ít nhất 10 phút cho việc luyện âm, người học sẽ cảm nhận được sự tiến bộ đáng kể. Bộ não chúng ta cần sự luyện tâp thường xuyên để hình thành thói quen phát âm vì cách phát âm tiếng Anh khá khác so với tiếng mẹ đẻ chúng ta.

Chúc các bạn thành công.

Phan Lê Hải Ngân

SHARE