Hoài nghi ‘nước Mỹ trước tiên’ hay ‘Trump trước tiên’

90

Khi Thủ tướng Merkel từ chối lời mời dự hội nghị G7 tại Washington tháng này của Trump, cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo trở nên căng thẳng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay bà không thể tham dự vì đại dịch vẫn diễn tiến phức tạp. Tổng thống Mỹ Donald Trump đáp lời rằng ông cảm thấy thất vọng về nhóm G7, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ông nói rằng Mỹ đang làm rất tốt, ngay cả khi biểu tình bạo loạn xảy ra khắp cả nước. Tổng thống Trump khẳng định Trung Quốc đã gây ra đại dịch này.

Cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo kết thúc sau 20 phút.

“Đây không phải cuộc nói chuyện tốt đẹp”, một quan chức kể lại sau khi chứng kiến cuộc trao đổi giữa hai lãnh đạo.

Thủ tướng Angela Merkel (trái) và Tổng thống Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh NATO tại Anh, tháng 12/2019. Ảnh: NYTimes.

Một tuần sau, người Đức nghe tin Mỹ có kế hoạch rút quân khỏi Đức. Khoảng 9.500 binh sĩ đồn trú tại Đức, làm nhiệm vụ bảo vệ hòa bình cho châu Âu, dự kiến rời đi trong ba tháng tới. Đức không nhận được bất kỳ cảnh báo nào, hay thậm chí một thông báo chính thức nào về kế hoạch này cho tới nay.

Katrin Bennhold, biên tập viên của NYTimes, không rõ quyết định rút quân của Mỹ có liên quan tới việc Thủ tướng Merkel từ chối lời mời dự hội nghị thượng đỉnh G7 hay không, nhưng “chúng báo hiệu sự đổ vỡ trong quan hệ của Mỹ và quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất chấu Âu kể từ Thế chiến II”. Mỹ và Đức đã có nhiều bất đồng gần như trên mọi vấn đề quan trọng, gồm Nga, Iran, Trung Quốc, thương mại và an ninh.

Niềm tin giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Merkel đã mất từ lâu. Nhiều quan chức và nhà phân tích cho rằng thậm chí giờ đây điều cơ bản hơn là niềm tin vào chính liên minh xuyên Đại Tây Dương cũng đang biến mất.

Những quyết định bất ngờ, khó lường và không có thảo luận trước của Trump, như việc cắt quan hệ với WHO, đã trở thành dấu ấn trong những năm tháng ông ở Nhà Trắng.

Theo quan điểm của giới chức châu Âu, Mỹ đã từ một đồng minh không thể thiếu trở thành một đồng minh không thể tin cậy.

“Đây là lời cảnh tỉnh cho người châu Âu chúng tôi rằng phải tự nắm lấy vận mệnh của mình”, Johann David Wadephul, nhà lập pháp cấp cao thuộc Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel, cho hay.

Bằng cách đơn phương rút quân khỏi Đức, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Âu, Tổng thống Trump đang làm tổn hại NATO và “tặng quà” cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, người từ lâu không hài lòng với sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Âu, theo Thomas Kleine-Brockhoff, phó chủ tịch Quỹ German Marshall ở Berlin.

Kleine-Brockhoff nhận định đối thủ chiến lược của Trump không phải là Putin hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mà là Angela Merkel. Tổng thống Trump, tỷ phú nổi tiếng, không tìm được tiếng nói chung với bà Merkel, nhà vật lý lượng tử, không phải là chuyện mới mẻ. Điều mới là Trump dường như từ bỏ việc cố tỏ ra họ đứng cùng phía.

“Merkel đại diện cho những điều mà Trump không thích, như chủ nghĩa toàn cầu, đa phương và luật pháp quốc tế. Ông ấy thích hướng tới các lãnh đạo độc đoán nổi tiếng trên thế giới hơn”, Kleine-Brockhoff nói.


Lính Mỹ tại căn cứ không quan Ramstein trong chuyến thăm của Tổng thống Trump năm 2018. Ảnh: NYTimes.

Người Đức lo ngại Trump đang xác định lại lợi ích quốc gia của Mỹ và liên minh xuyên Đại Tây Dương không nằm trong đó. “Ông ấy nghĩ động thái của mình sẽ cho thấy sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Mỹ. Nhưng nếu rút quân trong ba tháng tới, Trump đang khiến khả năng răn đe của Mỹ ở châu Âu giảm 25%”, Kleine-Brockhoff cho hay và thêm rằng đây là thay đổi cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ sau Thế chiến II.

Các nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm ở hai bên bờ Đại Tây Dương đều cho rằng mối quan hệ Mỹ – Đức nên được xem là vô cùng quan trọng, đặc biệt là sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Đức là quốc gia giàu có và đông dân nhất châu Âu. Đức cũng là cường quốc kinh tế của châu Âu và là đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ. Các công ty của Đức đang sử dụng khoảng 700.000 lao động ở Mỹ.

Đức cũng được xem là trung tâm quân sự quan trọng nhất của Washington ở châu Âu, với khoảng 35.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại đây. Khoảng 12.000 người Đức đang làm việc cho các cơ sở quân sự của Mỹ ở nước này. Sự hiện diện của người Mỹ cũng mang tới hàng chục nghìn công việc khác cho người Đức. Do đó, kế hoạch rút quân của Mỹ sẽ gây tổn hại tới kinh tế của quốc gia châu Âu này.

Tuy nhiên, quyết định rút quân cũng gây tổn hại không nhỏ cho Mỹ. Ngoài rút binh lính thường trực, Tổng thống Trump dự định hạn chế số lượng lính Mỹ ở Đức không quá 25.000, chưa bằng một nửa so với mức tối đa hiện tại. Điều này có thể nghiêm trọng hơn kế hoạch rút 9.500 quân, theo Ivo Daalder, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu Council on Global Affairs ở Chicago.

Hầu như tất cả chuyến bay quân sự của Mỹ tới Iraq hoặc Afghanistan đều qua Ramstein ở tây nam nước Đức, căn cứ lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Bệnh viện quân đội Mỹ ở Landstuhl cũng là nơi điều trị cho rất nhiều lính Mỹ bị thương trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Căn cứ ở tây nam Đức cũng là nơi điều phối nhiều nhiệm vụ của quân đội Mỹ ở châu Phi.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng vai trò quan trọng nhất của lính Mỹ ở Đức là răn đe Nga. Nicholas Burns, cựu quan chức dưới thời Tổng thống George W. Bush và hiện là giáo sư tại trường Harvard Kennedy, thuộc Đại học Harvard, cho rằng quyết định rút quân của Mỹ sẽ đem lợi cho Tổng thống Putin.

“Đây là đòn giáng lớn vào ưu tiên hiện tại của chúng tôi ở châu Âu, là tăng cường kết nối chiến lược với Đức, cường quốc quan trọng nhất ở châu Âu, đặc biệt là sau khi Anh rời EU”, Burns nói.

Quyết định của Trump phù hợp với quan điểm “Nước Mỹ trước tiên”, nhằm hạn chế triển khai lính Mỹ ở nước ngoài và yêu cầu các đồng minh san sẻ gánh nặng ngân sách quốc phòng. Nhưng một số người cho rằng quan điểm “Nước Mỹ trước tiên” đang biến thành “Trump trước tiên”.

“Nó không còn là quan điểm về thế giới, về chính trị mà là về riêng Trump, về nhu cầu được công nhận và đôi khi là để trả đũa”, Norbert Röttgen, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Đức và là một trong số ứng viên hy vọng kế nhiệm Thủ tướng Merkel vào năm tới, cho hay.


Bệnh viện của quân đội Mỹ tại Landstuhl, phía tây nam nước Đức. Ảnh: NYTimes.

Giới chức Đức đã sẵn sàng đón nhận các tuyên bố gây rạn nứt quan hệ nhiều hơn từ Washington trong những tháng trước bầu cử Mỹ và có thể cả sau đó. Nhiều người lo ngại Trump sẽ đơn phương rút ngắn thời gian rút quân từ Afghanistan, tạo điều kiện cho Taliban chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán hòa bình. Một số thậm chí cho rằng Trump cũng sẽ rút quân khỏi Hàn Quốc.

“Ông ấy đang căng thẳng và chịu nhiều áp lực. Khi áp lực càng nhiều, tình thế ngày càng nghiêm trọng, ông ấy sẽ càng kích động”, Röttgen nói.

Một số người còn sợ rằng nếu tái đắc cử, tuyên bố đầu tiên của Trump sẽ là rời NATO. Kleine-Brockhoff đặt câu hỏi rằng liệu Tổng thống Mỹ có thể phá hủy liên minh này tới mức nào.

Trump từ lâu đã phàn nàn Mỹ phải chịu gánh nặng chi phí đóng góp cho NATO hơn các đồng minh. Kể từ khi nhậm chức, ông luôn chỉ trích Đức là quốc gia giàu có nhưng chi tương đối ít cho ngân sách quốc phòng. Nhiều nhà phân tích cho rằng một số phàn nàn của Trump là chính đáng.

“Đức vấp phải rất nhiều chỉ trích về chi tiêu quốc phòng”, Ivo Daalder, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, cho hay. Nhưng ông nói rằng cách để khiến một quốc gia đóng góp nhiều hơn là phải đưa ra những chiến lược chung. “Đó là cách NATO làm”, ông nói.

Daalder cũng cho rằng quan điểm của Trump rằng Đức được hưởng lợi từ việc quân Mỹ hiện diện tại đây mà không phải mất gì là hoàn toàn sai lầm. Đức đã phải trả rất nhiều để tiếp đón quân Mỹ, cũng như phải cung cấp vùng đất rộng lớn làm nơi huấn luyện cho quân Mỹ và NATO. Nơi duy nhất ở châu Âu cho phép bất kỳ ai được diễn tập bắn đạn thật là Bavaria.

“Chúng tôi tham gia NATO không phải là ân huệ đối với các nước đồng minh, mà là để bảo vệ chính an ninh của chúng tôi. Mỹ triển khai quân đội ở Đức và nhiều nơi khác để ngăn chặn chiến tranh nên chúng tôi không thể đối đầu với họ”, Daalder nói.

Thanh Tâm (Theo NYTimes)

SHARE