Cơ ngơi kinh doanh kín tiếng của vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên – Công Vinh

30

Bên cạnh vai trò là những ngôi sao hạng A với khả năng kiếm tiền thuộc hàng khủng, ca sĩ Thủy Tiên và cựu cầu thủ Lê Công Vinh còn là doanh nhân đúng nghĩa khi trực tiếp thành lập và điều hành nhiều doanh nghiệp.

Thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ đã có những hành động thiết thực như kêu gọi các nhà hảo tâm và đứng ra quyên góp tiền, các nhu yếu phẩm cần thiết để cứu trợ đồng bào miền Trung trước tình hình mưa lũ.

Trong đó, Thủy Tiên là nghệ sĩ được đánh giá tích cực và nhận được sự ủng hộ lớn nhất. Tính đến ngày 20/10, số tiền quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung mà cô nhận được đã hơn 100 tỷ đồng.

Tháng 11/2017, ca sĩ Thủy Tiên thành lập Công ty TNHH Media Ball, vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó Thủy Tiên góp 50% vốn, một nửa cổ phần còn lại do bà Phan Thị Thanh Hiếu nắm giữ. Công ty của Thuỷ Tiên hoạt động trong các lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, tổ chức sự kiện và đầu tư tài chính.

Theo lời Thủy Tiên, số tiền góp vào công ty này được cô tích góp trong 15 năm đi hát. Dù vậy đến ngày 29/9/2018, Media Ball đã xin giải thể với lý do kinh doanh không hiệu quả.

Trước đó 6 tháng (cụ thể vào ngày 7/3/2018), Thủy Tiên đã thành lập Công ty TNHH CV9 (tiền thân là Công ty TNHH Cobala), đóng trụ sở tại quận 7, TP.HCM.

Công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực quảng cáo, tại đây Thủy Tiên cùng chồng cô là cựu cầu thủ Công Vinh cùng đảm nhiệm vai trò Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc.

Theo dữ liệu của Nhadautu.vn , trong năm 2019, CV9 chỉ thu về 98,4 triệu đồng doanh thu, trong khi lỗ sau thuế 882,3 triệu đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản kiêm vốn chủ sở hữu đều ở mức 7,7 tỷ đồng, vốn góp chủ sở hữu đạt 8,6 tỷ đồng.

Giới túc cầu tinh ý nhận ra, CV9 là tên viết tắt của Công Vinh gắn với số áo huyền thoại của tiền đạo này khi thi đấu cho Đội tuyển Quốc gia Việt Nam và CLB bóng đá Hà Nội.

Cầu thủ Lê Công Vinh được xem là một trong số các cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam, anh từng 3 lần nhận danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam vào các năm 2004, 2006 và 2007. Ngoài ra, Lê Công Vinh được trang web Goal.com bình luận là một trong mười cầu thủ châu Á đáng xem nhất năm 2009 sau khi anh cùng ĐT Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup 2008.

Thêm vào đó, Công Vinh còn từng được mệnh danh là “ông vua chuyển nhượng”. Những năm ở đỉnh cao sự nghiệp, anh được báo chí gọi là cầu thủ giàu nhất Việt Nam, chân sút tiền tỷ…

Giã từ sự nghiệp bóng đá sau AFF Cup 2016, Lê Công Vinh làm Phó Chủ tịch CLB bóng đá TP.HCM và quyền Chủ tịch CLB này trước khi từ chức vào cuối tháng 5/2018.

Bên cạnh sự nghiệp quần đùi áo số, Lê Công Vinh còn là người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Đào tạo Bóng đá Công Vinh.

Theo tìm hiểu, doanh nghiệp được thành lập vào ngày 22/5/2013, đóng trụ sở tại phòng 601A, tòa nhà Tecco, đường Quang Trung, Phường Quang Trung, TP Vinh, Nghệ An. Tuy nhiên đến ngày 24/7/2018, công ty này đã ngừng hoạt động.

Trước đó vào ngày 10/5/2017, cầu thủ này cũng đã góp vốn thành lập CTCP Bóng đá Bà Rịa – Vũng Tàu, chủ quản CLB Bà Rịa – Vũng Tàu.

Công ty này có vốn điều lệ ban đầu ở mức 200 tỷ đồng, trong đó Lê Công Vinh góp 10%, 90% phần vốn còn lại được góp bởi Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Bình Minh (30%), Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Viễn Đông (30%) và Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Ngọc Việt (30%).

Trong năm 2019, CTCP Bóng đá Bà Rịa – Vũng Tàu thu về 15,1 tỷ đồng doanh thu, cao hơn gần 7 tỷ đồng so với năm 2018, song lỗ thuần có chiều hướng gia tăng khi trong năm 2018 là 1,66 tỷ đồng nhưng đến năm 2019 lỗ 7,1 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu lần lượt đạt 59,6 tỷ đồng và 53,1 tỷ đồng.

Nhật Huỳnh

SHARE