Tầm này mọi năm, các doanh nghiệp đã có việc cho cuối năm, nửa đầu năm sau nhưng nay, một số mới được nhận đơn hàng theo tuần.
Theo báo_cáo của Bộ Công Thương, dệt may đóng góp gần 22 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu chung 8 tháng đầu năm nay, song vẫn giảm hơn 11% so với cùng kỳ 2019. Đợt dịch mới bùng phát trở lại trên toàn cầu khiến sản xuất, xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục “ngập” trong khó khăn.
Theo thông lệ hằng năm, thời điểm này các doanh nghiệp đều đã có đơn hàng đến cuối năm và nửa đầu năm sau. Nhưng giờ tình hình hoàn toàn khác khi hầu hết các doanh nghiệp hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. Một số đơn vị hiện mới nhận được 50-60% đơn hàng so với tháng 9 năm ngoái, các tháng còn lại năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng.
Công nhân một doanh nghiệp dệt may tại TP HCM sản xuất áo sơ mi xuất khẩu. Ảnh: Quỳnh Trần.
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, tình hình thị trường dệt may thế giới trong quý III chưa nhiều dấu hiệu khả quan, thị trường chưa chuyển biến.
Niềm tin tiêu dùng các mặt hàng ở Mỹ, EU và Nhật Bản chưa tốt. Các số liệu nhập khẩu hàng may mặc và một loạt động thái giảm giá kích cầu, đẩy hàng tồn kho đi nhằm tránh tồn đọng vốn của các hãng bán lẻ, cũng như ngừng nhập khẩu may mặc của các nhà nhập khẩu lớn cho thấy nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng quần áo đang chững. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới suy giảm cầu trong lĩnh vực sản xuất dệt may.
Ông Cao Hữu Hiếu – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, hiện chưa thể đưa ra các dự đoán dài hạn nhưng tập đoàn này đã lường trước kịch bản có thể giảm 20% doanh thu năm nay.
“Đơn hàng cho quý IV hầu như chưa có, là thách thức lớn cho kế hoạch sản xuất kinh doanh của chúng tôi. Trong khi đơn hàng khẩu trang đã đảo chiều, ít và giá giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất”, ông chia sẻ. Dù vậy, lãnh đạo Vinatex nói sẽ nỗ lực tối đa, bám chặt mọi cơ hội kinh doanh dù nhỏ nhất, “thậm chí sản xuất cả mặt hàng chưa từng làm để hạn chế suy giảm”.
Linh hoạt trong sản xuất, tìm kiếm mảng sản xuất mới, tiết kiệm tối đa chi phí… cũng là chuyển hướng mà lãnh đạo Tổng công ty May 10 tính tới khi kịch bản từ tháng 9 đến hết quý IV khó khăn. Ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc May 10 cho hay, doanh nghiệp này đã lên kế hoạch, phương án sản xuất linh hoạt, tích cực tìm kiếm đơn hàng dài. Với sản phẩm may mặc truyền thống, May 10 đưa ra phương án giao hàng linh động, tăng chất lượng sản phẩm để dù số lượng nhỏ nhưng vẫn làm, duy trì và có việc làm cho người lao động.
Tìm kiếm cơ hội ở thị trường dệt may nội địa cũng là phương án các doanh nghiệp dệt may tính tới bù đắp phần nào sự thiếu hụt đơn hàng.
Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch Vinatex cho rằng, nửa cuối năm đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa chỉ chiếm 10% năng lực sẽ là giải pháp giải quyết việc làm đáng kể cho doanh nghiệp.
Đồng tình, ông Trương Văn Cẩm – Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhìn nhận, thị trường nội địa sẽ là một trong những phân khúc tiềm năng bù đắp một phần chi phí trong bối cảnh khó khăn, dù doanh thu của thị trường nội địa không quá lớn khi người dân đang thắt chặt chi tiêu.
Nhưng muốn “chinh phục” người tiêu dùng nội địa, ông lưu ý, doanh nghiệp dệt may ngoài nhận thức hành vi tiêu dùng người dân, cần thay đổi công nghệ, xây dựng hệ thống phân phối đến vùng sâu, vùng xa để đưa hàng phục vụ người dân…
Dù thế, căn cơ nhất lúc này, theo ông Lê Tiến Trường là “bảo đảm sức sống doanh nghiệp vượt qua đại dịch, tổn thất sức khoẻ thấp nhất”. Nên ngoài giảm các khoản bảo hiểm, thuế, ông Trường đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu cho doanh nghiệp được hoãn đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm hưu trí, phí công đoàn đến hết năm sau. Chính phủ được đề nghị có giải pháp để các ngân hàng khoaпh пợ, giãп пợ cho doanh nghiệp còn có năng lực sản xuất, hồi phục nhanh sau đại dịch.
theo Anh Minh
https://vnexpress.net/det-may-chi-co-don-hang-cho-tung-tuan-4157541.html