Phê duyệt đề án thẻ căn cước gắn chip: Lo ngại bị định vị, theo dõi?

20

Chiều 3/9, tại cuộc họp triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Công an thông báo, dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân của Bộ Công an được Thủ tướng phê duyệt bằng quyết định 1368.

Theo chủ trương này, dự án sẽ được triển khai cùng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự kiến vận hành đầu năm 2021. Dự án Căn cước công dân ước tính 2.800 tỷ đồng, trong đó việc gắn chip điện tử là phần nhỏ trong tổng thể.

Thẻ căn cước gắn chip sẽ đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, giúp người dân trong tương lai đi làm thủ tục bớt phải mang cùng lúc nhiều giấy tờ.


Ảnh chụp màn hình báo Giao Thông.

Theo tính toán sơ bộ, căn cước gắn chip có thể đắt hơn thẻ vạch hiện nay từ 10.000 đến 20.000 đồng.

Căn cước gắn chip cũng được cho là bảo mật cao hơn, lưu trữ được nhiều thông tin hơn, có thể bổ sung thêm nhiều thông tin khi cần. Đây cũng là xu thế trên thế giới vì nó tiện lợi, đáp đứng được các yêu cầu giao dịch trên hệ thống điện tử.

Đặc biệt loại thẻ này sẽ lưu trữ các đặc điểm nhận dạng trên khuôn mặt bằng hình ảnh, vân tay ảnh và sinh trắc học… Đó là những dữ liệu mà thẻ căn cước mã vạch không lưu được.

Thông tin trong chip được mã hóa, khi công dân làm việc ở đâu chỉ cần quét là có thể tra được dữ liệu để phục vụ quản lý, giải quyết thủ tục hành chính.

Đơn cử, bạn có thể cầm thẻ gắn chip đi bệnh viện, họ có thiết bị nhận biết thẻ của bạn đã tích hợp bảo hiểm y tế và bạn không cần phải xuất trình thêm giấy tờ nào khác. Tiến tới mỗi người chỉ cần một loại thẻ có thể thực hiện tất cả các giao dịch.

Lo ngại về việc bị định vị, theo dõi và làm giả chip của người dân?
Theo báo VnExpress, thiếu tướng Tô Văn Huệ cho biết loại chip này không định vị được. Quá trình sản xuất có đơn vị chức năng giám sát và sau này khi cấp rồi thì người dân cũng có quyền giám sát. Hơn nữa pháp luật quy định rất rõ việc này, ai làm sai sẽ bị xử lý, chế tài đã có.

Chip điện tử được thiết kế chống làm giả và chống cài đặt trái phép. Ai đó đánh cắp căn cước công dân của bạn, tháo chip ra cũng không thể đọc được. Chỉ người sở hữu nó mới có thể sử dụng được, vì trên đó ngoài số định danh cá nhân còn lưu giữ các thông tin riêng về cá nhân như sinh trắc học, hình ảnh nhận dạng.

Đến 1/7/2021 sẽ cơ bản thay toàn bộ CMND 9 số
Sẽ có thể có nhiều loại căn cước cùng tồn tại. Tuy nhiên theo ông Huệ, Bộ Công an chủ trương đến ngày 1/7/2021 sẽ cơ bản thay toàn bộ CMND 9 số.

Bộ Công an chủ trương chỉ dừng việc tuyên truyền cho người dân đi đổi CMND mẫu cũ sang căn cước hiện tại, chuyển sang tuyên truyền cho người dân chuẩn bị đổi sang căn cước gắn chip chứ không phải dừng việc cấp thẻ CCCD, dẫn báo Tuổi Trẻ.

Khi dự án được thông qua, các tỉnh, thành trên toàn quốc sẽ được cấp thẻ gắn chip và dự kiến đến tháng 7/2021 cả nước sẽ có 50 triệu thẻ được sử dụng.

Lý giải cho việc không cấp thẻ căn cước gắn chip điện tử ngay từ đầu thay vì mã vạch để tránh lãng phí khi xây dựng cơ sở hạ tầng, đại diện Bộ Công an chia sẻ:”Vấn đề này đã được đưa ra, tuy nhiên lúc đó chip điện tử còn đắt, công nghệ sản xuất hạn chế. Đến nay các doanh nghiệp trong nước chủ động công nghệ và giá thành sản xuất rẻ hơn”.

SHARE