Mong muốn thành công trong tương lai là những ước mong chính đáng của bất cứ người làm cha làm mẹ nào. Tuy nhiên đừng để sự kì vọng đó trở thành nguyên nhân mâu thuẫn giữa con cái và phụ huynh trong việc hướng nghiệp. Sẽ thật tuyệt vời khi cha mẹ hiểu rằng: cùng con định hướng nghề nghiệp là tôn trọng cảm xúc, hiểu rõ tính cách, sở thích và khả năng của con.
Cha mẹ hãy nhìn nhận việc định hướng nghề nghiệp cho con không có nghĩa là thay con quyết định tất cả theo ý muốn của mình, mà hãy tìm hiểu sở thích, cá tính, điểm mạnh, điểm yếu của con. Để có thể “vẽ đúng đường” và bắt kịp những xu hướng nghề nghiệp hiện tại, cha mẹ cũng phải là những người tìm hiểu và học hỏi cùng con.
CÁC ÔNG BỐ BÀ MẸ: HỖ TRỢ ĐỊNH HƯỚNG NHƯNG ĐỪNG QUYẾT ĐỊNH THAY CON
“Em rất dở Toán nhưng mọi người khuyên em học Kế toán để sau này dễ tìm việc làm, hoặc không làm ở ngoài thì về phụ ba mẹ. Em không dám cho ba mẹ xem kết quả học kỳ vừa rồi vì em sợ ba mẹ sẽ thất vọng vì em. Em không biết phải làm gì bây giờ. Học kỳ 1 mà đã có kết quả tệ vậy thì 4 năm đại học em sẽ học ra sao. Em không ngủ được, cứ thức trắng đêm cố gắng học nhiều mà khi thi thì lại không làm bài được.”- Mai.
Nhiều bạn trẻ đã tâm sự: “Mình biết cha mẹ mình rất thương mình, yêu quý mình và mong muốn những điều tốt đẹp cho mình nhưng cha mẹ chẳng hiểu được là mình thích gì, mình mong muốn điều gì và mình có thể làm tốt những việc gì. Cha mẹ luôn áp đặt những suy nghĩ, những điều cha mẹ muốn lên mình. Mình không thích điều đó”.
Những dòng tâm sự này là tâm tư có thật của các bạn trẻ về ba mẹ được đề cập trong quyển sách Cùng con định hướng nghề nghiệp. Như vậy là có rất nhiều sự mâu thuẫn và không tương đồng trong suy nghĩ giữa phụ huynh và con cái.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều phụ huynh vẫn giữ quan niệm cổ hủ trong việc chọn ngành, chọn nghề cho con. Cha mẹ muốn con vào trường điểm, muốn con học làm bác sĩ, kĩ sư, giáo viên, ngân hàng…Trong khi con mình lại có đam mê và năng khiếu trong các ngành nghề như đầu bếp, bartender…thì cha mẹ lại cấm cản. Phụ huynh muốn con chọn học và làm những nghề mà họ cho là được “nở mày nở mặt” với người khác, mà không biết rằng đó là một sự áp đặt và áp lực cho con.
Phải chăng đã đến lúc các ông bố bà mẹ nên nhìn nhận lại quan niệm trong việc chọn ngành cho con?
CHA MẸ NÊN LÀM GÌ?
Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, yếu tố gia đình có ảnh hưởng cực kỳ mạnh mẽ tới sự phát triển nhân cách và hướng nghiệp cho trẻ. Vì thế cha mẹ chỉ cần cố gắng dành thời gian khoảng 20 phút chất lượng, trò chuyện, lắng nghe, quan sát để biết được cảm nhận, suy nghĩ, những điều con đam mê, những điều còn làm tốt. Bên cạnh đó cần có sự động viên và hiểu rõ năng lực và sở thích của con, để từng bước định hướng nghề nghiệp cùng con, điều này sẽ tốt hơn nhiều so với việc phụ huynh chỉ dùng mệnh lệnh và áp đặt lên ước mơ, lên đam mê của con.
Thấu hiểu được sự bận rộn và khoảng cách thế hệ giữa bố mẹ và con cái, tác giả Phoenix Ho và Trần Thị Thu trong quyển sách Cùng con định hướng nghề nghiệp đã đưa ra các gợi ý để cha mẹ sử dụng để tăng tương tác hàng ngày với con:
◆ Lắng nghe con chia sẻ trong chặng đường đưa đón con đi học mỗi ngày. Cố gắng không đưa ra ý kiến cá nhân hay sự đánh giá mà chỉ đơn giản gật gù lắng nghe và mỉm cười.
◆ Lắng nghe con chia sẻ câu chuyện cuối ngày trước giờ đi ngủ bằng cách cười với con, tỏ vẻ ngạc nhiên với câu chuyện, đặt câu hỏi để hiểu thêm nhưng tuyệt đối không đánh giá và cho ý kiến.
◆ Có những hoạt động gia đình hàng tuần như đi ăn ở ngoài, vận động thể thao, cùng học một lớp vẽ, chơi trò chơi ráp hình, v.v… Trong khi làm hoạt động, cha mẹ nên thả lỏng và vui chơi như trẻ con, tránh la mắng, dạy dỗ hay quá nghiêm túc.
2 NGUYÊN TẮC CHỌN NGHỀ CHO CON MÀ CHA MẸ CẦN BIẾT
“Trong hoạt động nghề nghiệp, sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp là những yếu tố có ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự thành đạt nghề nghiệp của mỗi người.” – Cùng con định hướng nghề nghiệp.
Để giải thích về vai trò quan trọng của các yếu tố này đối với hoạt động nghề nghiệp, tác giả đã dựa vào lý thuyết đặc tính cá nhân và đặc điểm nghề để đưa ra mô hình lý thuyết cây nghề nghiệp như sau:
Mô hình lý thuyết cây nghề nghiệp (Tác giả: Phoenix Ho, 2011).
Trong mô hình trên, sở thích, năng lực học tập, khả năng, cá tính, giá trị nghề nghiệp được coi là “rễ” của “cây nghề nghiệp”. Khi chọn bất kỳ một ngành nghề nào, nhất thiết phải dựa vào hiểu biết về sở thích nghề nghiệp, năng lực học tập, khả năng tự nhiên, cá tính và giá trị nghề nghiệp của bản thân, tức là dựa vào “rễ” của “cây nghề nghiệp.
Nếu ai đó chọn được ngành học, nghề nghiệp mà bản thân yêu thích, họ sẽ luôn có cảm giác thoải mái, có động lực học tập, làm việc và đam mê với công việc.
Còn ai đó chọn được nghề nghiệp mà yêu cầu của nghề phù hợp với khả năng tự nhiên của bản thân thì họ sẽ dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ và phát huy được tối đa khả năng trong học tập, công việc; cống hiến được nhiều nhất cho cộng đồng, xã hội. Như tiểu thuyết gia người Mỹ Pearl S. Buck (1892 – 1973) đã có câu triết lý: “Bí mật của niềm vui trong công việc nằm ở cụm từ – sự xuất sắc. Thành thạo một công việc chính là tận hưởng nó”.
Càng hiểu rõ về sở thích nghề nghiệp và khả năng tự nhiên của bản thân, con càng có cơ sở vững chắc để chọn nghề có cơ sở khoa học, đảm bảo thực hiện được hai nguyên tắc khi chọn nghề là:
– Chọn nghề mà bản thân yêu thích.
– Chọn nghề mà bản thân có khả năng tự nhiên để làm”; tránh tình trạng chọn ngành học, chọn nghề theo trào lưu chung, theo cảm tính.
Nếu một người quyết tâm theo đuổi ngành học, nghề nghiệp phù hợp với “rễ” thì sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sẽ có nền tảng vững chắc để thu được những “quả ngọt” trong hoạt động nghề nghiệp như: cơ hội việc làm cao, dễ dàng được tuyển dụng vào làm ở vị trí thích hợp tại các công ty, doanh nghiệp, được làm việc trong môi trường tốt, được hưởng mức lương cao, được nhiều người tôn trọng…
Vậy nên cha mẹ à, hãy hiểu con, cùng con khám phá những điểm yếu để khắc phục, phát huy điểm mạnh để phát triển. Phụ huynh hãy định hướng nhưng việc quyết định nên để con tự do chọn lựa. Có như vậy con mới có trách nhiệm với quyết định của bản thân, tự chủ và độc lập khi biết mình là ai? Mình muốn tìm kiếm những giá trị nào?
*Bài viết có tham khảo từ sách Cùng con định hướng nghề nghiệp của Thạc sĩ Phoenix Ho (Hồ Phụng Hoàng) và Thạc sĩ Trần Thị Thu.
Cuốn sách Cùng con định hướng nghề nghiệp được viết bởi Th.S Phoenix Ho (Hồ Phụng Hoàng) và Th.S Trần Thị Thu – là hai tác giả có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển nghề nghiệp và giáo dục hướng nghiệp. Cuốn sách này được thiết kế để cho cha mẹ không cần phải đọc từ trang đầu đến trang cuối mà vẫn tìm được câu trả lời cho thắc mắc liên quan đến việc hướng nghiệp cho con. Những câu chuyện trong sách phần nào giúp ta hiểu hơn về ý nghĩa của việc con trẻ cần hiểu mình trước khi bắt đầu hành trình hướng nghiệp của bản thân. Đồng thời để thực hiện được quan điểm giáo dục hướng nghiệp, cha mẹ phải hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của con liên quan đến hướng nghiệp thông qua việc quan sát, trò chuyện cùng con, tìm hiểu con.
Theo Ngọc Tú
Trí Thức Trẻ