Chuyên gia gợi ý cha mẹ 20 cách xử lý thay vì mắng, phạt con khi trẻ cáu giận hay bướng bỉnh

80

Khi em bé trở nên khó chịu và làm những điều bố mẹ cho là sai trái, bố mẹ thường khó kiềm chế được cơn giận. Nhiều phụ huynh mắng bé, thậm chí đánh bé.

Thay vì đánh mắng hay phạt con, bố mẹ còn có rất nhiều lựa chọn hành động khác tích cực hơn.

1. Tìm kiếm nhu cầu tiềm ẩn

Nếu bé không muốn chờ xếp hàng và bắt đầu kêu khóc hoặc tỏ ra rất khó chịu. Hãy để con chơi một trò gì đó đơn giản (tìm kiếm chữ cái, màu sắc xung quanh) hoặc hỏi bé những câu hỏi đơn giản về các sự vật diễn ra xung quanh.

Trẻ thường nhanh chán và khó có thể đứng nghiêm túc chờ đợi, đừng phạt hay mắng con vì điều đó.

2. Cung cấp thông tin và giải thích lý do

Nếu bé vẽ lên tường, hãy giải thích cho con (1 cách đơn giản) vì sao nên vẽ trên giấy: “Bởi vì đó không phải là cách làm đúng”, “Con nhìn xem bức tường đâu có ai vẽ lên bao giờ”.

Nếu như bé không chịu, hãy đánh lạc hướng bằng cách rủ rê con vẽ lên một chất liệu khác hoặc theo 1 cách khác.

3. Lắng nghe và quan sát những cảm xúc ẩn giấu

Chấp nhận, lắng nghe mọi giác quan.

Ví dụ nếu bé đánh em mình, cha mẹ có thể khuyến khích con thể hiện tức giận và ghen tức bằng cách không làm tổn thương người khác. Như là hét lên, hoặc đấm tay vào đâu đó (mà không khiến bé bị thương).

4. Thay đổi môi trường

Điều này đôi khi dễ hơn là thay đổi một đứa trẻ. Ví dụ nếu con tiếp tục lấy đồ ra khỏi tủ bếp, bạn có thể đóng chúng lại để bé không thể mở được (bằng các thiết bị đặc biệt) thay vì vào can ngăn hay mắng mỏ chúng.

5. Hướng dẫn cách sử dụng khác

Hướng dẫn hành vi của bé theo một hướng khác. Ví dụ nếu bạn không muốn con xếp chồng bát đĩa thành một pháo đài trên bàn ăn, đừng chỉ nói “không”. Hãy nói về nơi con có thể xây dựng một pháo đài như: bờ biển, hoặc sử dụng vật dụng khác để xếp.

6. Đưa ra ví dụ

Nếu con kéo chú mèo bằng đuôi, hãy chỉ con cách làm sao để vuốt ve mèo, cách gãi sau gáy nó. Đừng chỉ nói không, hãy cho con thử thực hiện các hành động đó.

7. Nên đưa ra lựa chọn, không phải chỉ định

Đưa ra những lời nói về trách nhiệm hay lên lớp lũ trẻ chỉ dễ gây ra sự phản đối. Thay vì “Con đi đánh răng đi”, bạn có thể nói “Con muốn đánh răng trước hay sau khi thay đồ ngủ?”.

8. Nhân nhượng

Hãy thi thoảng nói với con “Mẹ cho phép con không cần đánh răng tối nay vì con có vẻ mệt quá rồi”. Đừng quá cứng nhắc!

9. Dành thời gian chuẩn bị

Nếu bạn đang chờ khách tới ăn tối, hãy nói với trẻ về cách con nên cư xử. Cụ thể, nhập vai mình là khách và cho con thực hành các tình huống.

10. Cho phép mọi thứ xảy ra

Đừng quá nghiêm khắc và tập trung vào những sai lầm. Ví dụ con có thể quên không treo khăn tắm lên khiến chúng bị ướt, và đồ chơi nằm rải rác trong phòng, v.v… hãy nhắc nhở con nhẹ nhàng, chúng sẽ hiểu (dù sau đó vẫn có thể tiếp tục quên).

11. Chia sẻ cảm xúc của bạn

Hãy để con biết hành vi của chúng ảnh hưởng tới bạn như thế nào. Ví dụ mẹ thấy rất mệt vì phải nhặt những đồ chơi con vứt khắp nhà như thế này.

12. Hành động khi cần thiết

Nếu con muốn vượt lên phía trước trong khi đang đi bộ chung, bạn sợ các nguy hiểm xảy ra thì hãy nắm tay con, vừa đi vừa giải thích về những nguy hiểm.

13. Giữ con lại nếu con trở nên hung hăng

Một đứa trẻ cư xử hung hăng hoặc khó chịu có thể thay đổi hành vi đáng kể nếu bạn ôm chặt con, với tình yêu và sự hỗ trợ. Điều này sẽ tác động vào các cảm xúc ẩn giấu và những giọt nước mắt rơi xuống cũng sẽ nhẹ nhõm hơn.

14. Thoát khỏi những mâu thuẫn với con và ở một mình

Đôi khi cứ lún sâu vào các mâu thuẫn khiến bạn trở nên không kiểm soát được. Hãy tránh đi một lát, sử dụng thời gian này để bình tĩnh, lắng nghe, điều hòa cảm xúc và nghĩ đến cách giải quyết xung đột với con.

15. Làm và chơi cùng nhau

Nhiều tình huống xung đột có thể biến thành trò chơi. Ví dụ trong khi đang dọn dẹp, hãy tưởng tượng chúng ta là siêu nhân có khả năng nhặt đồ bằng chân siêu nhanh….

16. Cười lên để xoa dịu

Nếu con tức giận với bạn, hãy lấy 1 chiếc gối cho con xả con tức giận vào đó. Bạn cười lên, bản thân mình cũng tự giải phóng sự tức giận và cảm giác bất lực. Con cũng sẽ sớm bình tĩnh trở lại.

17. Đàm phán, thỏa thuận

Nếu đã tới giờ về nhưng con không muốn ra khỏi khu vui chơi, hãy thống nhất con có thể chơi tới mấy giờ (chỉ đồng hồ) hoặc số lần trượt cầu trượt trước khi rời đi. Cách này luôn rất hiệu quả, các bố mẹ hãy thử xem nhé!

18. Cùng nhau đưa ra quyết định

Đừng chỉ tự đưa ra quyết định của mình. Hãy trò chuyện và coi con như một người trưởng thành độc lập. Giúp con tìm ra giải pháp.

Đặt ra và cùng thống nhất các quy tắc. Cố gắng duy trì những buổi nói chuyện trong gia đình một cách thường xuyên.

19. Thay đổi sự kỳ vọng

Trẻ nhỏ có cảm xúc và nhu cầu mạnh mẽ, nên dễ hiểu thôi nếu chúng trở nên ồn ào, tò mò, không gọn gàng, bướng bỉnh, thiếu kiên nhẫn, đòi hỏi, hay quên, sợ hãi linh tinh, ích kỷ và tràn đầy năng lượng.

Đó là những điều hoàn toàn tự nhiên. Hãy cố gắng để con được là chính mình, với những gì chúng đang có.

20. Không trút cảm xúc tiêu cực lên trẻ

Nếu bạn thấy quá mệt, quá giận nhưng không phải do con mà là do những căng thẳng khác như công việc, các mối quan hệ… Hãy thư giãn và nghỉ ngơi, đừng trút những nặng nề đó lên đầu con trẻ nhé!

Vài nét về tác giả:

Chị Linh Phan là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời là tác giả cuốn sách “Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu”.

Theo Linh Phan, làm cha mẹ tốt nhất đối với con và đối với chính mình là khi tin vào bản năng của mình.

Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.

Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.

SHARE