Cách nhận biết 6 loại rau thông dụng dễ tồn dư nhiều hóa chất

23

Việc nhận biết rau an toàn bằng cảm quan hết sức quan trọng. Thông thường trên các loại rau nhiễm th.u.ố.c trừ sâu, phân hóa học, thuốc kích thích… bạn có thể nhìn thấy những hạt bụi nhỏ, ngửi thấy mùi vị khác thường, khi ăn nếu để ý sẽ thấy rau có mùi vị lạ. Cụ thể, mời bạn xem cách nhận biết một số loại rau dưới đây.


Ảnh minh họa: Sponchia / Pixabay.

Rau muống

Theo Ths.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP HCM cho biết trên báo Zing, khi dùng quá nhiều đạm hoặc phân bón, thân rau muống to hơn bình thường, giòn và lá màu xanh đen, khi luộc có màu xanh nhạt, khi nguội có màu xanh đen, kết tủa đen, vị chát.

Vì vậy, người dân nên chọn những mớ rau ngọn nhỏ, nhìn hơi cứng nhưng ăn lại rất giòn, ngon và an toàn. Ngoài ra, rau không chứa hóa chất sẽ có vệt nhựa loãng khi ngắt cuống.

Rau cải

Có nhiều loại rau cải khác nhau như: Cải ngọt, cải canh, cải thìa, cải bẹ… nhưng điểm chung của các loại rau này chủ yếu là những biểu hiện ở lá, màu sắc lá.

Theo Lisado, rau cải được phun nhiều th.u.ố.c trừ sâu thường xanh non mơn mởn, lá xanh ngắt, không dấu vết của sâu bọ và phần thân chắc mập, đều tăm tắp một cách bất thường. Rau cải xanh non cũng là biểu hiện của rau được bón nhiều phân đạm nitrat. Người dùng tuyệt đối không nên sử dụng loại cải này, nhất là ăn sống.

Rau cải sạch thường có màu nhạt hơn, trông không được non xanh mỡ màng. Trong khi đó, rau không an toàn thường mỡ màng hơn rau an toàn. Điều này rất dễ nhận ra đối với tất cả các loại rau cải… Bẹ ngoài cùng của rau cải có hóa chất thường trông cứng hơn và ít độ bóng nhưng lá nào lá nấy trông chắc khỏe, mập mạp.


Rau Cải ngọt (ảnh: Wikipedia).

Rau cần nước

Nếu bị phun quá nhiều th.u.ốc trừ sâu và phân hóa học, thân rau sẽ to, ngó trắng phau bất thường. Để một ngày không nhúng nước, rau cần nước sẽ bị khô héo, thân tóp lại.

Rau mồng tơi

PLO cho biết, rau mồng tơi sạch có thân vừa phải, lá nhỏ và hơi mỏng, xanh nhưng không bóng mượt, thỉnh thoảng có đốm sâu.

Còn với rau mồng tơi có hóa chất, lá óng, mướt, mang màu xanh thiếu ánh sáng, ngọn vươn dài, mẫm mụp, không sâu bệnh.

Rau bí

Với loại rau này thì báo Đất Việt cho biết:

Rau bí chứa hoá chất: – Các đốt rau rất dài, phần cuống lá cũng rất dài, mềm và dễ bị dập nát, phần tay cuốn mập và ngắn, ít lông tơ, ngọn bí màu xanh nhạt, lá màu xanh đen hoặc xanh nhạt không tự nhiên. Đây chính là những loại rau bí bón thừa đạm, phun nhiều phân bón lá và chưa đủ thời gian cách ly.

– Loại rau bí này do ăn nhiều đạm và chất kích thích nên tốt cực nhanh, do đó phần vỏ ngoài giữa các đốt, cuống và gân lá rất mỏng vì thế rất khó tước, thậm chí là không tước được.

– Rửa rau, rất dễ bị nát, không cần vò mạnh phần lá cũng bị nát vụn ra, phần cuống và phần thân dễ bị gãy, dập.

– Khi xào nấu, rau dễ bị nhũn, nát, ăn thấy nhớt, bột bột, không có mùi thơm tự nhiên và vị ngọt đậm đà của rau bí sạch. Để lâu, nước rau sẽ chuyển sang màu xanh đen rất đáng sợ.

Rau bí sạch: – Thường chỉ có 3 đến 4 lá trên ngọn có màu lá non, thân rắn chắc, nhiều lồng tơ, lá bánh tẻ có màu xanh tự nhiên, phần tay cuốn thường gầy và dài. Nếu đoạn rau dài, phần gần gốc sẽ thường bị già, nhiều xơ, không non từ gốc đến ngọn.

– Lớp vỏ dày, phần gân lá cũng dày nên tước dễ. Lá rau rất ráp nên khi vò khó nát, phần thân với phần cuống lá không bị dập nát.

– Khi nấu, dù đảo nhiều, rau bí cũng không bí nát, nấu lâu mềm hơn loại rau bí nhiều th.u.ố.c. Rau bí sạch, ăn sẽ thấy vị ngọt đậm đà và vị bùi của rau bí tự nhiên.

Giá đỗ

Trao đổi với PV báo Phụ Nữ TP.HCM về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thơm, một người bán hàng rau củ lâu năm ở chợ Vĩnh Hồ, Tây Sơn, Hà Nội chia sẻ: “Để ủ được một mẻ giá đỗ sạch đúng quy trình phải mất tận 3 ngày. Tuy nhiên, nếu đợi như vậy thì làm sao đủ hàng mà bán. Vì thế người ta phải dùng đến mánh khóe thôi.

Giá đỗ ngâm chất kích thích tăng trưởng trông béo, mập, vô cùng hấp dẫn nhưng giòn, dễ bị đứt đoạn. Trong khi giá đỗ sạch trông gầy hơn, sợi giá khó gãy hơn và trông có vẻ không được bắt mắt.

Giá đỗ sạch có phần lá mở ra hoặc nhìn từ ngoài sẽ lấy mầm lá nhú màu vàng hoặc màu xanh trong khi giá ngâm hóa chất có 2 hạt mầm đóng chặt với nhau. Người mua cứ nhìn thế mà phân biệt”.


Ảnh minh họa: Wikipedia.

Ngoài ra, anh Nguyễn Văn Quang – người làm giá đỗ sạch gia truyền, chủ cơ sở Giá đỗ sạch Quang Hài chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt về cách phân biệt giá sạch và giá ngâm hóa chất rằng:

Nhận biết bằng mắt thường

– Giá đỗ sạch có rất nhiều rễ, rễ dài gần bằng 1/2 thân cây giá; giá đỗ ngâm hóa chất rễ cụt, ngắn.

– Giá ngâm hóa chất có thân thẳng, to và cứng hơn so với giá sạch.

– Vì có một lượng đạm nên giá ngâm hóa chất bị tiêu mũ, còn giá sạch có đầu mũ to.

– Màu sắc của giá đỗ ngâm hóa chất có màu trắng sứ còn giá đỗ sạch có màu trắng pha ánh hồng vàng.

– Khi luộc lên, giá ngâm hóa chất sẽ có màu trắng trong như sợi miến, còn giá đỗ sạch sẽ có màu vàng vàng.

Nhận biết bằng vị giác

– Khi cây giá chưa được sơ chế, giá sạch sẽ có vị khé (đó chính là vị ngọt sau khi chế biến) còn giá ngâm hóa chất có không có vị.

– Khi chế biến vị của giá sạch sẽ ngọt, còn giá ngâm hóa chất có vị nhạt, xào ra nhiều nước, nhũn.

Hà Châu | DKN

SHARE