Để được xuất khẩu lao động sang các nước ngoài làm việc không phải chuyện dễ dàng, đa phần các gia đình Việt Nam phải vay tiền cho người thân đi xuất khẩu lao động. Ai cũng tin sẽ có thể thay đổi cuộc sống khó khăn ở quê nhà, bởi mức thu nhập ở xứ người cao hơn, nhưng “cuộc đời không như là mơ”…
Với những người có việc làm, họ phải giam mình trong công xưởng tối ngày, chưa kể phải tăng ca mới có được mức lương gọi là “ổn”, bởi chi phí sinh hoạt ở nước ngoài rất đắt đỏ.
Vất vả vậy nhưng họ vẫn may mắn hơn nhiều lần những người bỏ một đống tiền sang nước ngoài để rồi lâm vào cảnh vô gia cư, ở lại thì không làm gì ra tiền để sống mà về quê nhà thì càng không xong!
Ảnh tổng hợp từ Cuộc sống kỳ diệu
Nỗi đau người ở lại (ảnh chụp màn hình Vietgiaitri).
Mới đây, bài viết phản ánh cuộc sống bấp bênh hiện tại của rất nhiều người lao động Việt tại Đài Loan của T.V – người từng xuất khẩu lao động tại Đài Loan đã về nước, với tựa đề: “Trở về nước! Nỗi đau người trở về, nỗi buồn người ở lại”, diễn tả chi tiết hoàn cảnh đầy tréo ngoe và khó trăm bề của người lao động Việt tại Đài Loan đã khiến nhiều người phải lặng mình suy ngẫm.
Ảnh chụp màn hình Cuộc sống kỳ diệu.
TV chia sẻ, thời gian gần đây ngày nào cũng nhận được điện thoại, tin nhắn nhờ giúp đỡ của các lao động Việt Nam mới sang Đài Loan chưa bao lâu thì bị cho về nước vì không có việc làm.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế Đài Loan bị khủng hoảng trầm trọng, người dân nước họ cũng thất nghiệp hàng loạt, nói gì đến lao động nước ngoài. Vậy nên, việc người Việt sang đây bị phá hợp đồng nhiều như cơm bữa.
Ảnh chụp màn hình Vietgiaitri.
Có công ty 36 người mới sang được 2 tháng thì vỡ nợ về cả 36 người vì không tìm nổi chủ để mà đổi chủ. Có công ty 11 người mới sang được 2 tuần cũng ký giấy trở về. Thậm chí có những công ty còn sẵn sàng cho công nhân ở nhờ 2 tháng bao ăn để chờ chuyển chủ nhưng cuối cùng về vẫn phải hoàn về.
Những người đi xuất khẩu lao động “bỏ ra một đống rạ, đi nhặt về từng cọng rơm” đành dở khóc dở cười không biết về hay ở. Trở về thì nợ nần, hàng xóm chê cười, người thân buồn khổ; mà ở lại thì không tìm được việc sống qua ngày, chứ chưa nói đến có tiền gửi về quê. Đúng là “Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”.
Ảnh chụp màn hình Vietgiaitri.
Dù những chia sẻ của T.V chỉ mang tính chất quan điểm cá nhân nhưng ít nhiều cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm, không chỉ Đài Loan mà cuộc sống của người xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc cũng không lý tưởng và màu hồng như những gì mà các công ty môi giới vẫn rao giảng.
Trước khi nghĩ đến những hình ảnh mỹ miền áo gấm về quê từ xuất khẩu lao động, mỗi người đều nên cân nhắc kỹ càng, suy nghĩ thật thấu đáo trước khi quyết định, bạn nhé!
Văn Tùy | DKN