Bước đi sai lầm khiến ông Trump bị xa lánh hơn bao giờ hết

99

Hiếm khi nào trong 3 năm rưỡi làm trong Phòng Bầu dục mà Tổng thống Mỹ Donald Trump bị xa lánh nhiều như trong tuần qua.

Quyết định của ông rằng về việc sẽ điều quân đội để giải quyết các vụ biểu tình trên khắp nước Mỹ sau cái chết của George Floyd bị một số người đánh giá là sai lầm định mệnh.

Quyết định đó gây ra rạn nứt lớn giữa Nhà Trắng và Lầu Năm góc, vấp phải chê trách gay gắt của cựu bộ trưởng buốc phòng James N. Mattis. Trong một bài viết, vị đại tướng 4 sao của Thủy quân lục chiến nói rằng tổng thống đã “chế nhạo Hiến pháp của chúng ta”.


Những bức ảnh các lớp hàng rào bê tông dựng lên quanh Nhà Trắng trong khi binh lính và đặc vụ liên bang đứng chốt ở các giao lộ chỉ làm gia tăng cảm giác ông Trump bị cô lập và bủa vây.

Ngày 4/6, Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski nói với báo chí ở Đồi Capitol rằng bà đang “đấu tranh” xem có nên ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay không.

Bà nói rằng nhận xét của ông Mattis là “đúng, chân thực, cần thiết và quá chậm trễ”.

“Tôi cảm giác như có lẽ chúng ta đang tiến tới mức có thể trung thực hơn với những mối quan ngại mà chúng ta giữ trong nội bộ và trở nên dũng cảm từ lòng tin của chính mình để lên tiếng”, bà Murkowski nói.

Bà cho rằng những đồng nghiệp của bà chưa đi xa đến vậy. Ngày 4/6, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa hầu hết cố gắng gạt đi những câu hỏi về ông Mattis hay thể hiện ủng hộ ông Trump.

Một số người vẫn bảo vệ ông Trump. Trên Fox News, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham mắng ông Mattis là hùa theo “báo chí tự do” và “tin hoàn toàn vào cách nói mà tôi nghĩ là khá bất công”.

Nhưng các chiến lược gia của đảng Cộng hòa có liên hệ rộng rãi với những người trong đảng nói rằng những sự kiện diễn ra trong mấy ngày qua gây tác động mạnh mẽ lên triển vọng của ông Trump.

“Tôi cảm giác như đây là một điểm mấu chốt”, ông Michael Steel, trợ lý hàng đầu của cựu chủ tịch Hạ viện John Boehner và là từng là cố vấn của 3 nhóm vận động tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa, nói với Los Angeles Times.

“Chuyện chụp ảnh ở nhà thờ cùng với phát biểu của ông Mattis sẽ còn tác động nhiều nữa trong thời gian từ nay đến ngày 3/11”, ông Steel nói. “Khi lịch sử của giai đoạn này được ghi chép lại, có khả năng tuần này sẽ trở thành thang chuẩn. Ông Mattis là con chim hoàng yến khá lớn trong mỏ than”, ông Steel đánh giá.

Ed Rogers, trợ lý hàng đầu của cựu tổng thống George H.W. Bush, nói rằng những sự kiện diễn ra trong tuần qua “cho thấy cảm giác về sự rối loạn của tổng thống”.

Ông Rogers nhận xét rằng ông Trump có quan hệ tồi với Quốc hội, quan hệ tồi với hầu hết các thống đốc, quan hệ tồi với hầu hết các tổ chức doanh nghiệp, và giờ lại chuyện rối loạn chức năng với quân đội.

Không chỉ bị xa lánh trong nước, ông Trump cũng gặp phải sự lạnh nhạt từ bên ngoài.

Ông hy vọng sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các nước công nghiệp lớn tại Trại David trong tháng này để nhấn mạnh thông điệp Mỹ đang trở lại bình thường sau thời gian phải đóng cửa vì đại dịch COVID-19.

Cuối tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh đắm kế hoạch đó, nói rằng bà sẽ không dự vì đại dịch vẫn đang xảy ra. Trước đó mấy ngày, ông Trump thông báo Mỹ sẽ rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Ngày 29/5, ông Trump dự kiến có chuyến thăm Maine, nơi các cố vấn của ông hy vọng có thể tổ chức một cuộc bầu cử duy nhất vào tháng 11 vì luật của bang này phân chia cử tri theo khu vực bầu cử.

Nhưng thượng nghị sĩ Susan Collins của đảng Cộng hòa, người đang đối diện với những câu hỏi khó về chuyện tái tranh cử và muốn xây dựng hình ảnh độc lập, báo lại rằng bà có hoạt động ở nơi khác. Còn Thống đốc Maine, người của đảng Dân chủ, nói trong một hội nghị trực tuyến với các thống đốc khác rằng ông Trump không nên đến đây.

Trong các cuộc thăm dò dư luận cũng như khảo sát do chính nhóm hỗ trợ tranh cử của ông Trump tiến hành, Tổng thống Mỹ đang tụt sau đối thủ Joe Biden của đảng Dân chủ ở các bang chiến địa chủ chốt.

Kết quả thăm dò do Fox News công bố ngày 4/6 cho thấy ông Trump mất 4 điểm phần trăm ở bang Arizone và 9 điểm ở Wisconsin – hai bang ông đều thắng hồi năm 2016. Cuộc thăm dò này diễn ra trước đợt biểu tình vừa qua và cách phản ứng của ông Trump chưa được đo lường.

“Vẫn còn khoảng 140 ngày nữa nên ai biết những điều gì sẽ xảy ra từ giờ đến lúc đó. Nhưng đến ngày hôm nay, 4/6, bức tranh khá tối tăm với đảng Cộng hòa và ông Trump, và điềm báo là ngày 4/6”, David Axelrod, cố vấn Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama, đánh giá.

Sau khi thất bại ngỡ ngàng trong cuộc bầu cửa năm 2016, phe Dân chủ giờ vẫn đề phòng khả năng ông Trump có thể xoay chuyển tình thế. Ngay cả như vậy, các chiến lược gia của đảng này tin rằng họ không chỉ có thể giành lại Nhà Trắng mà cả quyền kiểm soát Thượng viện vào mùa Thu năm nay.

Một số chiến lược gia của đảng Cộng hòa cũng tin khả năng đó. Các đồng minh của ông Trump cho rằng nếu kinh tế Mỹ hồi phục vào mùa Thu này và virus corona không bùng lên lần nữa, Tổng thống sẽ hưởng lợi khi tâm trạng dư luận khá lên. Nhưng những người khác cho rằng những dấu hiệu như lượng tiền quyên góp trên mạng cho đối thủ Biden tăng vọt là dấu hiệu sớm cho thấy vị thế của đại diện đảng Dân chủ sẽ cao hơn dự tính của ông Trump và các đồng minh.

BÌNH GIANG ​

theo Los Angeles Times

Link nguồn: https://www.tienphong.vn/the-gioi/buoc-di-sai-lam-khien-ong-trump-bi-xa-lanh-hon-bao-gio-het-1668835.tpo

SHARE