‘Chào các chị em, hôm nay em giới thiệu tới mọi người sản phẩm…’, Thắm kẹp hộp ngũ cốc trước ngực, tươi tỉnh live stream bán hàng như thể mình vẫn còn đủ cả tay chân.
Ngày 17/11/2018, chị Dương Thị Thắm và anh Trần Văn Tài ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước chào đón con đầu lòng. Ở tuổi 27, đứa con là “quả ngọt” của mối tình 5 năm. Hai vợ chồng có một cửa hàng phụ kiện điện thoại nay có thêm cậu con trai kháu khỉnh, đôi trẻ hoàn toàn mãn nguyện.
Bỗng một tối đầu tháng 12, Thắm thấy mình mất hết sức lực. Cơn sốt vì tắc tia sữa vốn tưởng như chỉ cần chườm nóng, đắp lá bồ công anh… là khỏi, nhưng khiến Thắm bất tỉnh ngay khi bước vào nhà vệ sinh.
Ngay lập tức bà mẹ trẻ được gia đình đưa tới một bệnh viện quốc tế gần nhà. Bảy tiếng sau Thắm được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy vì tình trạng “nguy hiểm khó lường”. Bác sĩ xác định cô bị áp xe ngực dẫn đến sốc nhiễm trùng máu. Những ngày sau đó cô bị nhiễm trùng đường ruột, suy thận, phải thở máy, lọc máu, chân tay bầm tím và hoại tử dần.
Thắm khi mới sinh con và một tháng sau biến chứng áp xe vú, phải cắt tứ chi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tình trạng sản phụ bị áp xe vú khá phổ biến, thường làm cho họ bị đau, mất nguồn sữa chứ không đến mức như Thắm. “Bác sĩ nói có thể từ thời mang bầu trong cơ thể tôi đã có virus sẵn rồi”, Dương Thị Thắm, hiện 29 tuổi, chia sẻ.
Ngay từ khi mới nhập viện, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã nói “nếu may mắn thì giữ được tính mạng, còn chân tay không giữ được”. Từ lúc đó người chồng đã nghĩ đến tình huống vợ sẽ không còn lành lặn nữa. “Hãy dùng thuốc tốt nhất cho vợ em, tốn bao tiền em cũng chữa”, anh Trần Văn Tài luôn nói khi bác sĩ đưa ra các lộ trình điều trị. Anh còn đưa vợ sang bệnh viện khác điều trị oxy cao áp với hi vọng cứu được phần tay chân nào hay chừng đó.
Đến ngày thứ 15, tình trạng của Thắm không thể kéo dài nữa. Từ tím 10 đầu ngón tay, ngón chân, cô bị khô hết cả hai bàn tay, bàn chân. Vết tím đã lan đến cùi chỏ, lên đến hai đầu gối. Các bác sĩ yêu cầu phải cắt bỏ tứ chi để ngăn chặn hoại tử lan rộng hơn.
Khi người chồng đang cố lấy can đảm để ký giấy, người vợ đã tỉnh táo từ lúc nào. Cô kêu anh lại hỏi: “Chồng đi làm giấy cho vợ bỏ chân tay chưa?”. “Chưa, chờ xem còn cách nào khác không”, anh trả lời.
“Hết cách rồi. Chồng ký giấy cho vợ cắt đi. Nếu không thì vợ không nhìn thấy mặt con đâu”, cô nói bằng giọng bình tĩnh.
Ngày vào phòng mổ, trong đầu Thắm chỉ là hình ảnh con trai bé bỏng, chỉ được mẹ ôm và cho bú có 2 tuần. “Ken ơi”, người mẹ không ngừng gọi tên con cho đến khi ngấm thuốc mê.
Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần, tỉnh dậy sau phẫu thuật Thắm vẫn sốc. Hai chân cô bị cắt qua đầu gối. Tay phải cắt qua khuỷu, tay trái vẫn còn một chút khuỷu. “Nhìn tay, nhìn chân cụt ngủn, tôi hụt hẫng, cảm giác như đang mơ ác mộng bị rơi xuống một hố sâu”, Thắm cho hay.
Những ngày ấy, chốc chốc Tài lại thấy vợ nhìn vô hồn, nước mắt trào ra. Anh chỉ biết gọi video về nhà để vợ nhìn thấy con. Vào những lúc cô cười nựng con, Tài sẽ ở bên thủ thỉ: “Vợ phải cố lên. Con còn nhỏ, đừng để con mất mẹ”.
Vợ chồng Thắm và con trai. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cuối tháng 1/2019, cô được xuất viện. Lúc này con trai đã hơn 2 tháng tuổi. Những ngày đầu mới về, cô suy sụp nhiều. Ở bệnh viện có người chăm 24/24, nhưng khi về nhà muốn ăn, uống, đi vệ sinh… đều phải nhờ cậy người thân. Thắm cảm thấy “tủi thân, vô dụng”, vì chỉ nằm yên một chỗ càng thêm chán nản, đêm nào cô cũng khóc.
Đưa vợ về nhà vài hôm, Tài cũng phải quay lại công việc để còn lo trả nợ, cũng như thuốc thang cho vợ. Mỗi sáng anh dậy sớm lo cho cô ăn, chở đến nhà chị gái hoặc bà ngoại chơi cho khuây khỏa. Nơi làm việc của anh cách nhà 60 km và đang trong giai đoạn phát triển kinh doanh phụ kiện điện thoại, bên cạnh làm thêm nghề quảng cáo, bất động sản nhưng đêm nào Tài cũng về với vợ. Nhiều hôm anh về được tới nhà đã 4 giờ sáng. Dù ít khi nói lời ngọt ngào, anh mong qua hành động của mình cho vợ thấy luôn được quan tâm.
Một tháng sau khi xuất viện, đầu vết mổ được tháo băng, Thắm có thể thao tác được điện thoại. Kể từ đó, mẹ con cô bước vào những “giai đoạn phát triển giống nhau”. Khi con trai biết lật (lẫy), cũng là ngày người mẹ tập lật được người. Dần dần cô ngồi dậy được, tập lết từng bước giống như một đứa trẻ. Cuối tháng 4, Thắm khoe video cô lết bằng đùi, hay tay kẹp được đầu con, cùng con di chuyển trong nhà. Tiếng cậu bé cười vang khúc khích.
Tới đầu tháng 5, Thắm bắt đầu tập kinh doanh qua mạng. Trong các video, hình phụ nữ bị cụt tứ chi, hai tay kẹp những lọ thuốc, hộp ngũ cốc trước ngực, trên miệng tươi cười giao tiếp với khách hàng… khiến nhiều người không thể tin được mới 3 tháng trước cô còn nằm trên giường bệnh thập tử nhất sinh.
Thắm không e ngại khi xuất hiện với bộ dạng mới, thậm chí cô còn tự trêu mình qua các dòng trạng thái hài hước: “Hai năm trước: Muốn cắt tóc ngắn/ Muốn bắp tay bớt bự/ Muốn chân nhỏ xíu/ Muốn mặt bớt nọng/ Bây giờ cái gì cũng thực hiện được”.
Rồi cũng người phụ nữ ấy với sự hỗ trợ của chiếc xe lăn điện đã có thể đi lại. Mỗi sáng, mỗi chiều, ngay khi cô ngồi lên xe thì con trai đã lon ton bò lại, leo lên xe đứng sau lưng mẹ để được đi chơi.
Đến giờ Thắm đã có thể tự chủ ăn uống, đi lại, chỉ những lúc tắm rửa, thay đồ mới phải nhờ đến người thân. Cô cũng khoe mỗi tháng kiếm được khoảng một triệu đồng mua quà bánh cho con. “Thật sự, nhờ có con mà tôi quyết tâm phải sống vui như người bình thường”, Thắm cười nói.
Thắm hay nhờ người thân bày hàng ra mỗi sáng để cô bán online. Ảnh: Văn Tài.
Yên tâm hơn về vợ, Tài dành nhiều thời gian cho công việc. Bốn tháng trước anh mở thêm 2 cửa hàng phụ kiện điện thoại, đồng thời làm đại lý cung cấp cho nhiều cửa hàng khác. Kinh tế của họ cũng không còn khó khăn như thời nằm viện điều trị nữa.
Ngày hôm nay, Thắm và chồng chỉ mong sống khỏe cùng con lớn lên là đủ.
Phan Dương