Ai cho cũng chỉ lấy tờ 1.000 đồng thay vì lấy tờ tiền lớn hơn, nói ra lý do, cậu bé khiến nhiều người ngỡ ngàng

28

Ai cũng nghĩ cậu bé này thật ngốc nghếch, được tùy ý chọn đồng tiền có mệnh giá lớn hơn nhưng cậu chỉ nhất mực lấy tờ 1.000 đồng.

Chọn tờ 1.000 đồng

Có một cậu bé luôn bị mọi người cười nhạo là ngốc nghếch, vì cứ hễ ai đưa cho cậu chọn giữa tờ 1.000 đồng và 2.000 đồng, cậu sẽ không đắn đo mà chọn ngay tờ 1.000 đồng.

Có người không tin có chuyện này bèn lấy ra hai tờ tiền, một tờ 1.000 đồng và một tờ 2.000 đồng rồi bảo cậu bé chọn một đồng trong đó, kết quả cậu vẫn chọn tờ 1.000 đồng.

Người đó lấy làm lạ liền hỏi cậu: “Chẳng lẽ cháu không phân biệt được mệnh giá đồng tiền hay sao?” Cậu bé nhỏ giọng đáp: “Cháu phân biệt được nhưng nếu cháu chọn tờ 2.000 đồng thì lần sau chú sẽ không chơi trò này với cháu nữa”.

Đây chính là sự khôn ngoan của cậu bé này.

Thật vậy, nếu ngay từ đầu cậu chọn tờ 2.000 đồng thì sẽ chẳng có ai muốn tiếp tục chơi trò này với cậu nữa và thứ cậu nhận được chỉ là 1.000 đồng mà thôi.

Nhưng cậu đã lựa chọn lấy tờ 1.000 đồng, giả vờ là đứa trẻ ngốc nghếch và cậu ngốc nghếch càng lâu thì số tiền cậu nhận được càng nhiều. Cuối cùng, số tiền cậu kiếm được còn nhiều gấp mấy lần tờ 2.000 đồng kia!

Tương tự như thế, trong thực tế cuộc sống, chúng ta cũng có thể học theo “cậu bé ngốc nghếch” kia, bỏ qua tờ 2.000 để nhận lấy tờ 1.000 đồng.

Trong xã hội ngày nay, có rất nhiều người vẫn mang tư tưởng lòng tham “có thì phải lấy, không lấy phí của trời vì đằng nào cũng chẳng mất gì”.

Nhưng họ đâu biết rằng, lòng tham của họ không chỉ tổn hại đến lợi ích của người khác, mà còn khiến người khác phản cảm với lòng tham của họ.

Người khác có thể tha thứ cho hành vi của bạn, không để tâm đến lòng tham của bạn nhưng nếu bạn biết sống có chừng mực, họ sẽ ấn tượng và có đánh giá tốt hơn về bạn, về lâu dài còn muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ với bạn.

Điều đáng buồn là xã hội hiện đại ngày nay đầy rẫy những chuyện như: Quan hệ xã giao một lần là cắt đứt, làm ăn kinh doanh kiếm lợi một lần là cuốn gói!

Họ tự cho rằng bản thân làm vậy là khôn ngoan mà đâu biết rằng làm vậy là đang tự chặt đứt con đường đi của mình!

Hy vọng mọi người có thể “ngốc nghếch” như cậu bé kia, bởi đôi khi ngây ngô ngốc ngốc một chút sẽ giúp bạn nhận được nhiều ích lợi hơn mà chẳng khiến người khác khó chịu.

Bạn thử tính xem, mười tờ 1.000 cộng lại nhiều hơn hay một tờ 2.000 đồng nhiều hơn?

Dục vọng là thứ không có giới hạn, nó sẽ không ngừng thôi thúc, mê hoặc con người ta chạy theo những ham muốn hưởng thụ vật chất.

Nhưng việc mù quáng chạy theo lợi ích thường khiến con người ta đánh mất phương hướng cuộc đời. Chính vì thế, mọi chuyện vẫn nên có chừng mực và giới hạn, như thế chúng ta mới có thể nắm giữ được phương hướng vận mệnh của mình.

Thả cá lớn, bắt cá nhỏ

Lại có một câu chuyện thế này. Có vài người đang câu cá bên bờ biển. Cách đó không xa là vài vị du khách đang thưởng thức cảnh biển dịu mát.

Đúng lúc này, cần câu của một người bỗng vút lên, trên móc câu có mắc một con cá rất to, thân dài hơn một thước, nằm trên bờ, nó ra sức giãy dụa muốn thoát ra.

Kỳ lạ thay, người câu cá lúc này lại giẫm chân lên con cá, tháo lưỡi câu rồi thuận tay thả nó xuống biển.


Ảnh minh họa.

Những người vây quanh thấy vậy thốt lên rằng con cá to như vậy còn không khiến anh ta hài lòng, tham vọng của người này cũng thật lớn.

Trong khi mọi người đang nín thở chờ đợi thì cần câu của anh lại vung lên lần nữa. Lần này trên móc câu vẫn là một con cá dài một thước, người câu cá vẫn không thèm liếc mắt liền ném cá xuống biển.

Lần thứ ba, cần câu lại một lần nữa được kéo lên, nhưng chỉ thấy đầu móc câu có một con cá nhỏ, thân dài không quá 1 tấc.

Mọi người cho rằng con cá này chắc chắn sẽ bị thả đi, không ngờ người câu cá kia lại gỡ con cá ra rồi cẩn thận đặt vào giỏ của mình.

Mọi người nghĩ mãi không hiểu liền hỏi người câu cá kia tại sao vứt bỏ con cá lớn, chọn lấy con cá nhỏ.

Người câu cá đáp: “Bởi vì chiếc đĩa lớn nhất trong nhà tôi dài không quá 1 thước, nếu câu về con cá quá lớn thì chiếc đĩa không thể chứa nổi con cá đó”.

Trong thời buổi kinh tế phát triển như hiện nay, những người thả lớn bắt bé như người câu cá này càng ngày càng ít ỏi, ngược lại số lượng người chọn lớn bỏ bé ngày một gia tăng.

Có một câu nói thế này: Tham lam phát tài chỉ khiến cuộc đời ngắn ngủi kéo theo nhiều tai họa.

Thật vật, chỉ có phẩm chất tốt đẹp như tâm địa thiện lương, tấm lòng bao dung rộng rãi mới là gốc rễ của mạnh khỏe và trường thọ. Ham cái lợi nhỏ trước mắt cuối cùng rồi sẽ phải nếm mùi thất bại, thua lỗ mà thôi.

Theo Khánh An

Pháp luật và bạn đọc

SHARE