Một hành động tưởng chừng như điên rồ và tốn thời gian lại có thể truyền cảm hứng lớn lao và thay đổi thói quen của phần đông nhân viên.
728 cửa hàng trên phạm vi toàn nước Nhật và 4 cửa hàng ở nước ngoài; vốn đầu tư hơn 15 tỷ Yên, doanh thu 130 tỷ Yên; số lượng nhân viên khoảng 3500 người, Yellow Hat Japan – chuỗi cửa hàng phụ kiện xe hơi là một trong những tập đoàn bề thế nổi tiếng bậc nhất ở xứ sở Phù Tang.
Tuy to lớn là thế, nhưng thứ khiến tập đoàn này được công chúng biết đến sâu sắc lại nằm ở hành vi có phần kỳ lạ của vị Chủ tịch năm nay đã 81 tuổi, đó chính là tự đi cọ toilet của công ty bằng chính đôi tay của mình.
Chủ tịch năm nay đã 81 tuổi tự đi cọ toilet của công ty bằng chính đôi tay của mình.
Kagiyama trở thành nhà sáng lập công ty bắt đầu từ năm 1961 ở tuổi 28. Từ những ngày đầu thành lập, Kagiyama cùng người đồng sáng lập đã tự mình đi cọ toilet, tính đến nay đã được 53 năm. Và để hiểu thêm lý do khiến nhiều người bất ngờ này, chúng ta hãy cùng lý giải như bên dưới:
Lý do lớn nhất bắt nguồn từ thời kỳ phát triển đỉnh cao của công ty. Nghe qua có vẻ nghịch lý bởi lẽ, khi công ty phát triển rầm rộ, theo lý người đứng đầu phải tối mặt tối mũi với mớ công việc cần giải quyết, lấy đâu thời gian để tự mình cọ rửa toilet? Tuy nhiên, do các nhân viên cấp dưới rất thực dụng chỉ chăm chăm kiếm thật nhiều tiền, tập trung vào bản thân – thứ mà Kagiyama không muốn hướng đến.
Do đó, vị giám đốc muốn tự mình tạo nên sự thay đổi cho “bức tranh” doanh nghiệp, bắt đầu từ việc dọn dẹp vệ sinh, môi trường làm việc. Ông tin rằng, một môi trường làm việc bẩn thì những câu thuyết phục, động viên nhân viên dù có cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Cho nên, phải bắt đầu từ việc vệ sinh môi trường sạch sẽ rồi muốn nói gì thì nói. Đó là lý do ông bắt tay vào việc chà toilet.
Yellow Hat Japan – chuỗi cửa hàng phụ kiện xe hơi là một trong những tập đoàn bề thế nổi tiếng bậc nhất ở xứ sở Phù Tang.
Ông bắt tay vào vệ sinh trong công ty rồi đến các công ty lân cận và cuối cùng là không gian bên ngoài cũng như nhà vệ sinh của công ty khách hàng. Mục đích của hành động này là dấy lên sự tự nguyện nơi nhân viên.
Thời điểm ban đầu, vị Chủ tịch nhận về những ánh nhìn ái ngại và những lời bàn tán xôn xao vì hành động có phần lạ lẫm của bản thân mình. Đường đường một vị Chủ tịch, ai lại bỏ thời gian vàng bạc ra để đi cọ toilet?!
Tuy nhiên, dần dà, sau quãng thời gian 10 năm, 1 nhân viên đã nhận thấy được điều gì đó ở hành động này và đến để giúp đỡ ông. Rồi số người đồng cảm và tự nguyện giúp đỡ ngày một tăng lên. 20 năm sau, rất nhiều nhân viên cùng Chủ tịch dọn vệ sinh rồi tạo nên một phong trào lớn mạnh.
20 năm sau, rất nhiều nhân viên cùng Chủ tịch dọn vệ sinh rồi tạo nên một phong trào lớn mạnh.
Chính những hoạt động tưởng chừng như vô nghĩa này đã phần nào chiếm trọn trái_tim của khách hàng. Đội ngũ nhân viên cũng vì thế mà được nhìn nhận và đánh giá một cách rất khác. Số lượng khách hàng tin tưởng không qua đàm phán tăng nhanh đồng thời doanh thu được cải thiện không ít.
Ngoài ra, một không gian sạch sẽ cũng góp phần tạo nên ý thức chung cho cả tập thể. Hiện tượng vứt rác bừa bãi hay cố tình bừa bộn đã không còn nữa. Tinh thần này cũng được các nhân viên áp dụng mạnh mẽ vào công việc của mình. Hơn hết, việc dọn dẹp nhà vệ sinh còn nuôi dưỡng lòng biết ơn, sự cảm kích, khơi dậy lòng trắc ẩn bên trong mỗi cá nhân.
Các hoạt động của Kagiyama mang tính cảm hứng rất cao và được lan truyền trên phạm vi toàn thế giới. Tổ chức NPO đã tổ chức một chương trình về việc “Làm cho Nhật Bản trở nên xinh đẹp hơn”, học về cách thức dọn dẹp. Buổi học diễn ra ở 123 nơi tại Nhật, thậm chí ở các quốc gia khác như Brazil, Trung Quốc, Romani, Ý.
Một hành động tưởng chừng như điên rồ và mất thời gian lại có thể mang đến một ý nghĩa nhân văn sâu sắc và thay đổi phần nào nhận thức cũng như thái độ của những người xung quanh về cung cách sống cũng như sinh hoạt, tại sao chúng ta không thử học theo và áp dụng?
Theo Louis
Pháp luật & Bạn đọc