Chăm chỉ sẽ thành công nhưng có tư duy chiến lược bạn có thể đi xa hơn.
Tài năng, trí thông minh và cả sự dẻo dai về tinh thần đều quan trọng. Nhưng sở hữu tư duy chiến lược “độc nhất vô nhị'”này, khả năng chạm đến thành công của bạn còn cao hơn.
Steve Jobs tin vào sự gan góc. Ông khẳng định: “Tôi tin rằng khoảng một nửa yếu tố phân biệt các doanh nhân thành công với những người không thành công là sự kiên trì thuần túy. Có những khoảnh khắc khó khăn đến nỗi hầu hết mọi người đều bỏ cuộc”.
Có thể hiểu, tinh thần kiên cường xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai. Người thành công biết trì hoãn sự hài lòng nhất thời. Người thành công không bị khuất phục bởi cám dỗ. Người thành công luôn làm những gì họ đã quyết định là quan trọng nhất.
Nhưng họ không mù quáng sa vào những con đường mòn mà mọi người vẫn đi theo.
Theo các tác giả (một trong số họ là Carol Dweck, người tiên phong trong nghiên cứu tư duy tăng trưởng) của một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academic of Sciences, sở hữu một tư duy chiến lược “độc nhất vô nhị” dự đoán mức độ hiệu quả của mọi người trong việc theo đuổi mục tiêu.
Họ viết: “Các phát hiện cho thấy xây dựng chiến lược đòi hỏi nhiều hơn so với việc rèn luyện các kỹ năng chiến lược cụ thể. Để xây dựng một mô hình logic, nhất quán, chúng ta phải có một định hướng cụ thể về cách tiếp cận và sử dụng chúng”.
Tóm lại, nói một cách đơn giản: muốn đạt được mục tiêu to lớn bạn buộc phải trả giá. Các nhà nghiên cứu gọi nó là siêu nhận thức. Nhưng chúng ta có thể gọi nó là nghệ thuật tư duy.
Thành công thường là kết quả của sự lặp lại liên tục, nhất quán. Nhìn chung, bạn càng cố gắng bao nhiêu, kết quả đạt được sẽ càng rực rỡ bấy nhiêu. Đôi khi sự táo bạo còn có thể mang lại những kết quả ngoài tưởng tượng. Nhưng chăm chỉ cũng có giới hạn.
Muốn tiến xa hơn, bạn phải nắm chắc “tư duy chiến lược”, thường xuyên đặt câu hỏi và điều chỉnh lịch trình, thói quen hiện tại của bạn, rút ra những bài học từ thất bại và cải thiện hơn nữa kết quả trong tương lại.
Giả sử bạn là nhân viên làm việc trong một doanh nghiệp. Bạn có thể cần mẫn lặp đi lặp lại công việc hàng ngày, chắc chắn bạn sẽ cải thiện kỹ năng của mình.
Nhưng, nếu bạn biết được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và biết cách tập trung phát triển những kỹ năng còn thiếu sót và điều chỉnh sau mỗi sai lầm, khả năng của bạn sẽ được nâng lên một tầm cao mới chứ không còn là sự thông thạo đơn thuần. Nhờ đánh giá những thất bại, bạn biết cách “đi nhanh hơn”, học hỏi kiến thức mới thay vì mất thời gian lặp đi lặp lại những lối mòn chỉ để cải thiện những thao tác kém hiệu quả.
Tóm lại, tư duy chiến lược giúp chúng ta đánh giá sự tiến bộ của mình và điều chỉnh cách tiếp cận theo hướng tối ưu hóa.
Vậy làm thế nào để nắm bắt tư duy chiến lược? Hãy tự hỏi bản thân sáu câu hỏi. Để kiểm tra, các nhà nghiên cứu đã hỏi những sinh viên tham gia sáu câu hỏi và yêu cầu họ tự đánh giá theo thang điểm từ 1 (không bao giờ) đến 5 (luôn luôn).
1. Khi bạn gặp khó khăn trong một vấn đề nào đó, bạn có thường tự hỏi bản thân: “Tôi có thể làm gì để giúp chính mình?”
2. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy mình không tiến bộ, bạn có thường tự hỏi bản thân: “Có cách nào tốt hơn không?”
3. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy thất vọng với một điều gì đó, bạn có thường tự hỏi bản thân: “Làm thế nào để tôi có thể làm điều này tốt hơn?”
4. Trong những khoảnh khắc bạn cảm thấy bị thử thách, bạn có thường tự hỏi bản thân: “Tôi có thể làm gì để khiến bản thân tốt hơn trong việc này?”
5. Khi bạn gặp khó khăn với một điều gì đó, bạn có thường tự hỏi: “Tôi có thể làm cách nào khác?”
6. Bất cứ khi nào cảm thấy khó khăn, bạn có thường tự hỏi mình: “Tôi có thể làm cách nào khiến mọi thứ tốt hơn không?”
Kết quả là: Điểm số càng cao thì khả năng thành công càng lớn.
Và trong các nghiên cứu tiếp theo, điểm số cao hơn dự đoán thành công lớn hơn trong thử thách chuyên môn và mục tiêu sức khỏe thể chất. Nói tóm lại, việc áp dụng tư duy chiến lược sẽ làm tăng khả năng thành công, bất kể mục tiêu là gì. Và đây là điểm mấu chốt: Tự chuẩn bị sẵn sàng trước khi bắt đầu một thứ gì đó đầy thử thách sẽ có lợi hơn cho hành trình của bạn.
Trong một thí nghiệm khác, các nhà nghiên cứu thành lập hai nhóm. Một nhóm đọc tổng quan về khái niệm tư duy chiến lược, nhóm còn lại thì không. Sau đó, cả hai nhóm đều được giao một nhiệm vụ phải hoàn thành. Nhóm tư duy chiến lược có kết quả vượt trội hơn so với nhóm còn lại. Họ khám phá, thử nghiệm và điều chỉnh nhanh hơn nhiều, và không ngừng làm việc để tối ưu hóa các phương pháp của họ.
Họ không chỉ giải quyết một vấn đề mới hiệu quả. Họ còn tiếp tục phân tích điều gì mang lại hiệu quả, điều gì không hiệu quả và không ngừng tìm kiếm cách tốt hơn. Theo các nhà nghiên cứu: Nhiều công việc trong thế giới hiện đại, cũng như các mục tiêu thách thức nói chung, đòi hỏi mọi người phải tích cực suy nghĩ và tìm ra cách xử lý tốt nhất các nhiệm vụ trong tầm tay. Giữa những thách thức như vậy, nhiều người chỉ đơn giản là áp dụng và gắn bó với các chiến lược không tối ưu, kết quả nhận được không cao.
“Chúng tôi nhận thấy rằng tư duy chiến lược đã gián tiếp dự đoán sự tiến bộ đối với các mục tiêu thách thức dài hạn, quan trọng và xa lạ. Đây là những mục tiêu có thể đòi hỏi phải tiếp cận nhiều lần hoặc sáng tạo ra các chiến lược mới”, một đại diện của nhóm chia sẻ. Đó chính xác là những loại mục tiêu mà mọi doanh nhân cần đạt được.
Lần tới khi bạn bắt tay vào một mục tiêu mới hoặc mỗi khi cảm thấy bế tắc, hãy dành một chút thời gian để tự hỏi bản thân sáu câu hỏi. Điều đó sẽ thúc đẩy siêu nhận thức của bạn – và giúp bạn nắm lấy tư duy chiến lược cần thiết để đạt được thành công xứng đáng.
Theo Inc
Thùy Anh
Theo Nhịp sống kinh tế