Có thể tình yêu của người bố đôi khi còn vụng về, nhưng bố là người đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của một đứa trẻ.
Mặc dù người mẹ đóng vai trò chính trong việc nuôi nấng con cái, nhưng chúng ta không thể phủ nhận được những mặt tích cực vai trò người bố trong gia đình.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Harvard, Mỹ kéo dài suốt 12 năm, kết quả cho thấy những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi người bố thường có chỉ số IQ cao hơn so với người mẹ, chúng cũng có xu hướng học giỏi và dễ thành công hơn trong tương lai.
Nhà tâm lý học Gerdy Schippers từng nói: “Sự xuất hiện của người bố cực kỳ quan trọng, nó có một sức mạnh đặc biệt để nuôi dưỡng một đứa trẻ nên người”.
Nói như vậy không có nghĩa là phụ nữ chăm con không tốt, điều này chỉ chứng tỏ rằng nếu người bố dành nhiều thời gian để chăm sóc và quan tâm đến con cái, chúng sẽ phát triển tốt vượt trội so với việc chỉ được mẹ chăm sóc.
Bố cần làm gì để giúp con cái phát triển theo hướng tích cực nhất?
Người bố có những ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của con cái (Ảnh minh họa).
Chuyên gia giáo dục Nhật Bản, Toshiyuki Sawaguchi từng nói: “Trẻ từ 7 – 12 tuổi nếu được tiếp xúc, vui chơi nhiều với người cha, điều đó không chỉ giúp ích cho sự phát triển tinh thần mà còn giải quyết được hành vi nổi loạn khi chúng bước vào tuổi dậy thì”.
Người bố không nên bỏ qua những ảnh hưởng của bản thân đối với sự phát triển của con cái. Nếu thực sự quan tâm và lo lắng cho con mình, người bố nên làm những điều sau:
1. Chơi trò chơi cùng với con
Cho dù đó là trò chơi ghép hình đơn giản hay giải câu đố phức tạp, người bố đều có thể chơi cùng với con cái một cách vui vẻ nhất. Việc chơi trò chơi cùng con cái sẽ cải thiện rất tốt mối quan hệ bố con và giúp trẻ thông minh hơn.
2. Tập thể thao cùng con
Người mẹ thường hay lo lắng con mình sẽ bị thương khi tham gia các hoạt động ngoài trời, nhưng người bố lại nghĩ khác. Họ nghĩ rằng trẻ con nên vận động nhiều thì sẽ tốt hơn, nếu có nguy hiểm xảy ra cũng sẽ kịp thời ứng cứu.
Hầu hết các ông bố đều yêu thích thể thao, đặc biệt là các hoạt động như bóng đá, bóng rổ, bơi lội… Việc đưa trẻ đi chơi cùng, hướng dẫn chúng chơi chẳng phải là điều cực kỳ tốt hay sao. Việc làm này sẽ khiến trẻ hứng thú với bộ môn thể thao đó và trở thành người ”kế vị”, hoặc đơn giản là việc vận động này sẽ tốt cho sức khỏe.
3. Cho con tham gia vào các hoạt động mạo_hiểm
Tinh thần phiêu lưu rất quan trọng đối với một đứa trẻ, có thể rèn luyện tính cách mạnh mẽ và can đảm. Đàn ông thường thích các hoạt động mạo hiểm. Nếu người bố dẫn con mình đi cùng thực sự rất tốt cho sự phát triển của trẻ. Việc cắm trại ngoài trời, đi bộ đường dài, ngoài việc rèn luyện sức khỏe, còn khiến trẻ trở nên can đảm hơn khi đối mặt với khó khăn.
Những lợi ích to lớn khi trẻ được chơi cùng bố
1. Trẻ mạnh mẽ và độc lập hơn
Những nghiên cứu từ Đại học Harvard cho thấy có nhiều người bố nuôi con theo kiểu “thả rông”. Chẳng hạn như trẻ muốn dẫm vào vũng nước, người bố sẽ cho phép chúng làm một cách thoải mái, khác hẳn với người mẹ lúc nào cũng quan tâm tới sức khỏe, tính an toàn và nhiều vấn đề khác.
Sự bao dung và động viên của người bố thực sự là chỗ dựa vững chắc cho con cái, cho phép trẻ có thêm lòng can đảm khám phá thế giới xung quanh.
Dưới tác động từ người bố, những đứa trẻ sẽ lớn lên với tinh thần quyết đoán, tự lập, dám đứng dậy sau thất bại, dũng cảm, đây đều là những tính cách cần thiết để thành công trong cuộc sống.
2. Trẻ có tinh thần, trách nhiệm hơn
Trẻ có tính cách hoà đồng hơn khi được vui chơi nhiều với bố (Ảnh minh họa).
Thông thường, bố là người gánh vác trách nhiệm chính trong mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Trong quá trình tiếp xúc với bố nhiều, trẻ cũng sẽ hiểu được 2 từ ”trách nhiệm” là gì.
Trong trường hợp trẻ ít tiếp xúc với bố, hoặc không có bố làm gương, tính cách chúng sau này cũng có xu hướng né tránh việc đối mặt với các vấn đề. Sự can đảm và tính trách nhiệm của trẻ sẽ không có, chúng cũng không có khả năng giải quyết vấn đề.
3. Trẻ biết cách giao tiếp mới mọi người tốt hơn
Người mẹ chăm sóc con cái theo kiểu dịu dàng, chu đáo. Trên thực tế, những đứa trẻ được chăm sóc kiểu này nếu sống trong môi trường tập thể sẽ rất yếu ớt và dễ bị bắt nạt.
Người cha lại có cách tương tác với con trái ngược, họ hướng ngoại cho con nhiều hơn, cho con trải nghiệm những điều ngỗ nghịch, thậm chí có phần thô bạo. Dưới ảnh hưởng của người cha, trẻ sẽ có tính cách vui vẻ, nhiệt tình, năng nổ, hòa đồng và biết cách tương tác với mọi người hơn.
PHAN HẰNG
theo Nhịp sống Việt