Hạnh phúc của đôi vợ chồng không ‘chăn gối’

28

THANH HÓA-Muốn kết hôn, Can vẫn dằn lòng khuyên bạn gái đến nhà xem một người ngồi xe lăn như anh sống thế nào rồi quyết định, vì mong cô thương yêu, không phải thương_hại mình.

Trong ngôi nhà nhỏ ở xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, chị Nguyễn Thị Thúy, 32 tuổi, hai tay bế hai đứa con mới hơn một tháng tuổi đang_khóc vì đói_sữa. Anh Nguyễn Can, chồng chị luống cuống điều khiển xe lăn vào bếp pha sữa. “Đây, đây! Sắp xong, sắp xong rồi!”, ông bố 30 tuổi miệng liến thoắng.

Hai đứa trẻ há như chim non khi bố mẹ đút bình sữa ấm vào miệng. Nhìn con, cơn buồn ngủ của vợ chồng biến mất. Giây phút này, bao nhiêu khó khăn, bi_kịch trong số phận của cả hai người phút chốc trở nên vô nghĩa.

Bi_kịch cuộc đời đổ xuống vai Can khi anh còn là một thiếu niên. Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hết lớp 11, anh rời quê vào Sài Gòn xin làm ở một công trình xây dựng. Mùa hè năm đó, một khối bê tông nặng đổ_ập xuống cơ thể khiến cậu bị l.i.ệ.t nửa_người.

Can rời miền Nam với một chiếc xe lăn. “Các bác sĩ nói với tôi chỉ cần tập phục hồi chức năng là có thể đi lại được, nhưng hai năm, ba năm vẫn không thể đứng dậy”, anh kể. Mất cảm giác từ phần bụng xuống chân, Can tin đời mình coi như chấm_hết. Anh không thể tự sinh hoạt cá nhân, vệ sinh không chủ động nên đóng cửa ở trong phòng cả ngày.

Rảnh rỗi, anh Can tham gia vào một nhóm khuyết tật trên mạng xã hội. Ở đó, anh làm bạn với một người cũng bị chấn thương cột sống nặng. Chân tay người này yếu nhưng vẫn tự đi làm nuôi sống bản thân, lấy vợ và nuôi một đứa con nuôi. “Anh vui vẻ và hay động viên tôi. Tôi nghĩ mình mất chân nhưng đôi tay còn khỏe mạnh hơn anh, sao lại nằm một chỗ”, Can nghĩ.

Ngay ngày hôm sau, anh bắt đầu ra khỏi nhà, tập vận động. Vài tuần sau, chàng trai đã có thể tự phục vụ mình dù vẫn phải ngồi xe lăn. Hàng ngày, anh ra chợ bán sim, thẻ điện thoại, bán tăm để có thêm tiền trang trải cuộc sống.

Bước sang tuổi 23, Can có mối tình đầu. Cô gái 17 tuổi, khỏe mạnh đến tận nhà chăm sóc, giúp đỡ anh trong sinh hoạt hàng ngày. Rung động, cũng là lúc Can nhận ra bước vào tình yêu này, cô gái còn quá non_trẻ. Không muốn sau này cô trưởng thành hơn phải hối hận về tình yêu dành cho mình, anh chủ động chia tay.


Vợ chồng anh Can và chị Thúy kết hôn năm 2017, sau gần một năm tìm hiểu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tình yêu trở lại với anh bốn năm trước. Lần đó, anh Can dự một buổi họp mặt hội những người khuyết tật ở tỉnh, được xếp ngồi gần chị Thúy, một cô gái ở Thiệu Hóa. Thúy bị tai biến từ năm 13 tuổi khiến tay, chân bên trái yếu, đi tập tễnh. “Cả buổi hai đứa nói đủ thứ chuyện. Lần đầu gặp nhưng anh kể với tôi mọi thứ tồi_tệ của đời mình bằng một giọng điệu hài hước”, chị Thúy nhớ ấn tượng đầu về chồng.

Lúc cả nhóm đi ăn, chị chủ động xin anh Can cho đi nhờ trên chiếc xe ba bánh. Ngồi vào bàn ăn, anh nhóm trưởng trêu “Ai là bạn gái của đồng chí Can”. Chị nhanh nhảu giơ tay “Là em”, rồi cười đùa. Từ đó, họ nói chuyện với nhau nhiều hơn.

Một lần, đọc tin nhắn thấy Thúy nói bị sốt, anh hỏi xin địa chỉ rồi bốc xe lăn lên chiếc xe ba bánh lao đến nhà Thúy. Chặng đường hơn 30 km nhưng ngoằn ngoèo, đầy sỏi đá không cản được quyết tâm của chàng trai. “Nhìn thấy anh vác xe lăn từ trên xe ba bánh xuống giữa nắng tháng 5 như đổ lửa mà mặt vẫn tươi rói, tôi thấy lòng rung động”, chị kể.

Nhớ anh, chị Thúy chủ động nhắn tin mỗi ngày. Biết cô gái có cảm tình với mình, Can vừa bồi hồi vừa lo lắng. Anh thành thật với chị tai nạn đã khiến anh “mất khả năng đàn ông”, thu nhập không ổn định nên khó lòng lo được cho vợ con.

Để thể hiện lòng mình, vài ngày, Thúy lại tập tễnh bắt hai chặng xe buýt xuống nhà anh. “Em đã định đời này không lấy chồng nhưng anh đã làm trái tim em rung động. Em không cần chuyện chăn gối, chỉ cần anh ôm em, là bờ vai vững chắc cho em”, chị nói với anh. Thấy cô gái cương quyết, anh khuyên chị nên ở nhà mình một thời gian để biết một người ngồi xe lăn như anh sinh hoạt thế nào: “Anh không muốn bị thương hại”.

Thúy ở nhà bạn trai suốt một tháng, phụ anh sinh hoạt. Hàng ngày, anh đi làm, bố mẹ ra đồng, chị ở nhà cơm nước, giặt giũ như người con trong gia đình. “Một tháng rồi, em thấy chẳng có gì bất tiện cả”, Thúy cứng cỏi nói. Sự chân thành của cô gái nhỏ đã xóa bỏ sự tự ti trong lòng anh. Lần đầu tiên họ ôm nhau, quyết định kết hôn và xin con nuôi.

Nhưng sau đám cưới cuối năm 2017, anh Can được một người bạn mách làm thụ tinh ống nghiệm. Vì muốn sớm đủ tiền “đón con”, anh chạy xe ba bánh đến các chợ cách nhà 15 km để bán sim, thẻ điện thoại.

Thời gian sau, họ dồn hết tiền tiết kiệm và vay thêm gần 100 triệu đồng, “liều” ra Hà Nội một phen. Chuyến đi thuận lợi khi bác sĩ kết luận tinh trùng của người chồng đủ điều kiện thụ tinh.


Để có thể mang bầu, chị Thúy phải một mình đi lại Thanh Hóa – Hà Nội. “Con tinh cha, huyết mẹ hẳn hoi chính là động lực”, chị nói. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cuối năm 2019, vợ Can cảm giác bụng dưới bồn chồn như kiến bò, dấu hiệu của chuyển phôi thành công. “Lúc đọc tin nhắn vợ thông báo có thai, tôi đứng giữa nhà hét to. Cả ngày đi ra đi vào mà không biết để làm gì”, anh Can nói.

“Chẳng biết trai hay gái anh nhỉ. Em thích một trai, một gái cơ”, chị ôm lấy cánh tay rắn chắc của chồng thủ thỉ. Anh Can bật cười: “Em tham thế. Con nào cũng quý, chỉ cần sau này chúng lớn lên là người tốt được rồi”. Mỗi đêm, anh áp tai vào bụng vợ trò chuyện với con: “Chỉ mong hai con lớn lên khỏe mạnh, đời không bất trắc như bố mẹ”.

Tháng 6 năm nay, hai bé Nguyễn Thiên An, Nguyễn Thiên Ý chào đời trong vòng tay cha mẹ.

Vợ chồng anh Can hạnh phúc đón hai con gái chào đời tại bệnh viện Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Vợ chồng Can rất quyết tâm, kiên trì và luôn có niềm tin sẽ thụ tinh thành công. Họ không phải cặp khuyết tật duy nhất sinh con bằng phương pháp thụ tinh ở bệnh viện chúng tôi, nhưng là đôi đầu tiên công khai với truyền thông”, bác sĩ Luyện Thị Ngọc Dung, Bệnh viện chuyên khoa Nam học và hiếm muộn Việt – Bỉ nói. Vợ chồng Thúy hi vọng câu chuyện của gia đình mình sẽ truyền động lực cho các cặp vợ chồng khuyết tật, hiếm muộn khác.

Lúc mới sinh, chị Thúy được nhà ngoại đón về chăm sóc. Giữa tháng 8, khi hai đứa trẻ sinh đôi được hơn một tháng, anh Can mới đón vợ, con về. Lần đầu tiên, nợ một khoản tiền lớn nhưng anh thấy mình có gia tài khổng lồ.

Trước đây, bà Trịnh Thị Hương, 59 tuổi, từng khuyên con gái không nên lấy một người khuyết tật nặng như Can. Nhưng bây giờ, thấy anh cắn răng dùng hai tay leo lên giường thay bỉm, pha sữa cho con, bà biết Thúy không chọn lầm người. “Cũng vì muốn có tiền lo cho vợ con mà có lần nó đi làm, ngã chảy máu chân, chẳng có cảm giác gì. Người ta nhìn thấy bảo mới biết”, mẹ Thúy nói.

Hai hôm nay, cứ nửa đêm, nghe tiếng con khóc, anh Can bật dậy như đặt chuông báo thức. Tìm hiểu từ khi vợ mang bầu nhưng ông bố trẻ vẫn lóng ngóng chăm con. Mẹ đẻ bị tai biến nên hai vợ chồng anh phải tự thân vận động.

“Giờ bố là tay sai, hơi một tí là bị mẹ quát, con la. Nhưng đời bố, chưa bao giờ trọn vẹn đến thế”, vừa đút sữa cho Thiên An, anh vừa nịnh. Bé Thiên Ý nằm cạnh cũng khóc oe oe, há miệng đợi bình sữa mẹ đang lắc trên tay.

Phạm Nga
link:https://vnexpress.net/hanh-phuc-cua-doi-vo-chong-khong-chan-goi-4146646.html

 

SHARE