Đỏ mắt, khô mắt là hiện tượng nhiều người lớn và trẻ em gặp phải sau khi dành quá nhiều thời gian để nhìn vào màn hình máy tính và điện thoại trong những tháng dịch Covid-19 vừa qua.
Naomi – một bà mẹ nội trợ – đang bận rộn trông coi hai cậu con trai của mình tại nhà: đứa lớn học cấp hai, đứa nhỏ học tiểu học. Cả hai đều có sở thích sử dụng các thiết bị điện tử để giải trí. Điều này khiến Naomi vô cùng lo lắng. Các con cô đã tiếp xúc rất nhiều với máy tính và điện thoại kể từ khi dịch Covid-19 nổ ra khiến các lớp học bị đóng cửa và học sinh chuyển sang hình thức học online tại nhà.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, các con trai của cô vẫn đến trường, chơi đùa với bạn bè và tham gia các hoạt động ngoại khoá, chẳng hạn như đá bóng. Khác với Naomi, con cô không phải đeo kính cận. “Hồi ấy chúng chỉ online vài giờ mỗi ngày”, cô nhớ lại.
Sự lo ngại của Naomi ngày càng tăng lên khi các trường học bắt đầu chuyển sang học online từ tháng 4. Để hạn chế thời gian nhìn màn hình của các con, Naomi cho phép đám trẻ được ra ngoài sân chơi khi số ca mắc Covid-19 giảm. Còn những lúc khác, chúng buộc phải ở trong nhà. “Không có gì để làm nên đám trẻ xin phép tôi xem TV hoặc chơi game online cùng bạn bè”, người mẹ cho biết.
Hai cậu con trai nhà Naomi ngày càng thích thú với việc xem video trên YouTube và chơi game online như Minecraft hay Roblox, bởi đây chúng không chỉ đem lại sự giải trí mà còn là cách để đám trẻ giữ liên lạc với bạn bè. Trong kỳ nghỉ hè này, cả hai đều chỉ ở nhà và dán mắt vào màn hình suốt 8 tiếng/ngày bởi mọi người vẫn hạn chế ra đường. Naomi đang loay hoay tìm kiếm các hoạt động thay thế để con mình không tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử.
“Tôi để ý thấy có vài lần các con bị đỏ mắt ”, Naomi nhớ lại. Ngay lập tức, cô bắt các con ngừng chơi game.
Nhìn màn hình thiết bị điện tử quá nhiều có thể gây mỏi mắt. (Ảnh: Shutterstock)
Một ngày nọ, Naomi bỗng dưng thấy hai cậu con trai chớp mắt nhiều hơn bình thường. Vì quá lo lắng, cô đã lên mạng tìm kiếm thông tin về loại đèn ngăn ánh sáng xanh và dự định sẽ mua nó sớm. “Quảng cáo về loại đèn này cứ hiện lên trên Facebook của tôi. Có lẽ nó sẽ giúp được ít nhiều”, cô cho biết.
Theo bác sĩ Alex Ng Lap Ki – chuyên gia nhãn khoa tại Hồng Kông (Trung Quốc), đại dịch Covid-19 đã khiến số lượng bệnh nhân gặp các vấn đề về mắt tăng lên nhanh chóng. Ông cũng cho biết, giải pháp dễ nhất lúc này là hạn chế thời gian nhìn vào màn hình. Nếu bạn cảm thấy việc này là quá khó khăn, hãy để mắt nghỉ ngơi thường xuyên.
“Hãy tuân thủ nguyên tắc vàng 20-20-20: Cứ 20 phút lại cho mắt nghỉ một lần, mỗi lần kéo dài 20 giây, bằng cách nhìn vào một đồ vật nào đó cách mình 20 feet (tương đương 6m)”, bác sĩ Alex Ng Lap Ki khuyên.
Nhìn màn hình thiết bị điện tử trong một thời gian dài sẽ làm căng cơ mắt, còn nhìn vào một vật ở xa lại giúp mắt trở nên thư giãn hơn. Người lớn và trẻ em đều có thể thực hiện phương pháp này.
Bác sĩ Alex Ng Lap Ki (Ảnh: Jonathan Wong)
Ngoài ra, ông cũng khuyến khích mọi người chớp mắt nhiều hơn khi sử dụng máy tính và điện thoại. “Mỗi cái chớp mắt sẽ phủ lên bề mặt nhãn cầu một màng nước mới”, bác sĩ Alex Ng Lap Ki giải thích. “Bạn có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt để giữ cho mắt không bị khô”.
Bác sĩ Alex Ng Lap Ki cho biết, có rất ít bằng chứng cho thấy những chiếc kính ngăn ánh sáng xanh thực sự có tác dụng.
“Một số nghiên cứu trên động vật đã cho thấy cường độ ánh sáng xanh lớn có thể gây tổn thương cho mắt”, ông nói. “Tuy nhiên, lượng ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử khá ít.. Chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy cường độ ánh sáng xanh ít có thể gây tổn thương cho mắt”.
Theo vị bác sĩ này, mọi người thường cảm thấy khó chịu sau một thời gian dài tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử là do bị khô mắt, không phải là do ánh sáng xanh. Hiện tượng mắt đỏ có thể là do mắt bị dị ứng, chẳng hạn như viêm kết mạc dị ứng hay viêm mũi dị ứng. Khô mắt có thể kích thích những căn bệnh này.
Dùng th.u.ố.c nhỏ mắt là một cách hữu hiệu để tránh mắt bị khô. (Ảnh: Shuttershock)
“Khi bị khô, mắt của bạn sẽ không được bảo vệ khỏi các tác nhân gây dị ứng từ môi trường”, ông nói.
Để khắc phục, bạn có thể áp dụng các bài tập nghỉ ngơi cho mắt hoặc nhỏ th.u.ố.c mắt. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, hoặc cảm thấy chảy dịch mắt, mờ mắt và đau_mắt, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay.
Suốt nửa năm qua, học sinh sinh viên ở nhiều nơi trên thế giới đã phải học từ xa qua máy tính và điện thoại. Nhiều người lo ngại rằng điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ cận thị ở trẻ em.
Cận thị là một tật khúc xạ ở mắt, trong đó người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc nhìn các chi tiết hình ảnh ở xa, phải cố gắng điều tiết mắt để nhìn thấy. Nguyên nhân gây bệnh cận thị có thể là do gen hoặc các yếu tố từ môi trường bên ngoài.
“Đây là một việc rất đáng lo lắng, nhưng chúng ta không biết đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài tới khi nào”, bác sĩ Alex Ng Lap Ki nhận xét. Nếu tình hình dịch bệnh được cải thiện, ông khuyên các bậc phụ huynh nên cho con tham gia nhiều hoạt động ngoài trời hơn.
Có rất ít bằng chứng cho thấy kính ngăn ánh sáng xanh có tác dụng trong việc bảo vệ mắt. (Ảnh: Shutterstock)
Naomi cho biết, cô sẽ đưa con trở về Nhật Bản nếu tình hình xấu đi và học sinh phải tiếp tục học online. “Vì bị cận thị nên mắt tôi khá yếu. Tôi biết nó bất tiện như thế nào. Tôi không muốn con cũng rơi vào tình trạng như mình”, cô tâm sự.
Bạn bè của Naomi thông báo cho cô rằng trường học tại quê nhà có thể sẻ mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ hè. “Trong trường hợp tệ nhất, tôi sẽ chuyển về sống ở Nhật Bản”, cô nói.
(Theo SCMP)
Linh Hân
Theo Trí thức trẻ