Từ cậu bé gốc Việt sống trong nghèo khó vươn lên trở thành tượng đài, kiếm tiền khủng từ Graffiti, Cyril Kongo tâm niệm: “Sống là để theo đuổi giấc mơ”

34

Chẳng ngoa khi nói rằng, cuộc đời Kongo dư sức để dựng thành phim.

6 tuổi, coi vẽ tranh là cách thể hiện sự phản kháng!

Cyril Kongo, tên thật là Cyril Phan được sinh ra tại Toulouse (Pháp) năm 1969 trong một gia đình có bố là người Việt, mẹ là người Pháp. Cuộc đời của Cyril Phan sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu mẹ ông không tìm được một công việc tại TP. HCM vào cuối những năm 1969. Gia đình ông quyết định trở về Việt Nam sinh sống khi Cyril Phan mới 6 tháng tuổi.

Tuổi thơ 6 năm đầu đời của Cyril được gắn liền với những trò chơi dân gian, kho tàng ca dao tục ngữ và những câu chuyện cổ tích Việt Nam. Chính những ký ức về quãng tuổi thơ sống động, muôn màu, muôn vẻ đó đã gieo vào tâm trí của cậu bé Cyril Phan một thế giới đa sắc màu và đầy thi ca, nơi tình yêu và sự sẻ chia luôn được đề cao.

Sau này, mỗi lần được hỏi về quê hương Việt Nam, Cyril Kongo luông khẳng định, tâm hồn ông luôn gắn bó với quê nhà. Tình yêu với mảnh đất Việt trong ông luôn cháy bỏng và là nguồn cảm hứng cho rất nhiều những tác phẩm sau này của Kongo.


Hình ảnh cậu bé Cyril Phan bên mẹ.

Năm 1975, hai mẹ con Cyril Phan trở lại Pháp. Quãng thời gian đầu ở nơi này của cậu bé gốc Việt không mấy thuận lợi. Cậu sống cùng ông bà ngoại tại một khu phố của tầng lớp lao động tại miền Nam nước Pháp. Sự khác biệt về ngoại hình lai Châu Á và ngôn ngữ đã khiến cậu bé Cyril Phan 6 tuổi trải qua quãng thời gian dài bị bạn bè cùng trang lứa dè bỉu, bắt nạt.

Song, chính quãng thời gian này đã thúc đẩy cậu bé Cyril Phan tìm đến hội hoạ như một liệu pháp tinh thần để giải toả những bất công phải trải qua. Lúc bấy giờ, cậu bé Cyril Phan 6 tuổi coi việc vẽ tranh là một cách thể hiện sự phản kháng.

“Phiên bản đời thực” của “người nhện” Peter Parker

Sau quãng thời gian vô cùng khó khăn tại Pháp, cuộc đời Cyril Phan đã thực sự thay đổi khi ông cùng mẹ lại một lần nữa chuyển tới Brazzaville (Congo). Tại đây, cậu bé Cyril Phan lần đầu tiên được tiếp xúc với văn hoá hip-hop và graffiti. Cơ duyên này đã gieo hạt mầm nghệ thuật đầu tiên vào tâm hồn Cyril Phan và nghệ danh Kongo cũng được ra đời từ đây – đánh dấu sự khởi đầu cho hành trình theo đuổi sự xuất sắc của Cyril Kongo.

Những năm tháng niên thiếu tại vùng đất Châu Phi giàu văn hoá và những ký ức tuổi thơ sống động tại quê nhà Việt Nam đã bồi đắp nên một đời sống nội tâm phong phú, một tinh thần joie de vivre – tận hưởng cuộc sống với niềm vui và sự lạc quan ngập tràn của người nghệ sỹ Kongo.

Tinh thần joie de vivre này được thể hiện rõ nhất qua ba khía cạnh trong mỗi tác phẩm của Kongo: sự sống động của các chữ cái, sự nở rộ của muôn màu và sự hoà hợp giữa chữ cái và màu sắc. Điều này được minh chứng bởi tất cả các tác phẩm của người nghệ sỹ, từ những bức tường đầu tiên do ông vẽ nên khi quay trở lại Pháp vào những năm 80 cho tới những tác phẩm đưa tên tuổi Kongo vươn ra thế giới.

Cyril Kongo

Tự nhận cuộc sống bản thân là “phiên bản đời thực” của “người nhện” Peter Parker, trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, Cyril Kongo không ngần ngại làm đủ mọi nghề từ giao hàng, trang trí phông nền, thiết kế áo T-shirt, vẽ minh hoạ… vào ban ngày để kiếm tiền trang trải cuộc sống của một người nghệ sỹ ẩn danh vào ban đêm.

Khoảng thời gian này, Cyril Kongo dường như không ngủ, cứ mỗi khi màn đêm buông xuống, ông lại lang thang tới từng con hẻm nhỏ, tìm đến từng mảnh tường trống để lén lút thực hiện những tác phẩm graffiti đầu tiên của bản thân cho tới khi kiệt sức, phải ngủ lang trong những ngôi nhà bị bỏ trống.

Bước ngoặt để trở thành thủ lĩnh trong phong trào graffiti tại Pháp

Sau quãng thời gian dài một mình loay hoay đưa graffiti đến gần hơn với công chúng, cuối cùng vào cuối những năm cuối thập kỷ 80, Kongo cũng gặp được những người bạn cùng đam mê và thành lập nên nhóm Mort aux Cons (MAC). Họ đã cùng nhau thực hiện các tác phẩm graffiti ở khắp các ngõ ngách Paris và nhanh chóng nhận được sự công nhận từ cộng đồng graffiti trên khắp thế giới.

MAC thường xuyên được mời thực hiện các tác phẩm tại khắp châu Âu và châu Mỹ. Cũng từ đó, Kongo và MAC đã sáng lập ra Hiệp hội Kosmopolite. Năm 2002, Kosmopolite đã thành công tổ chức triển lãm đầu tiên trên thế giới về nghệ thuật graffiti đương đại. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự công nhận của giới mộ điệu cho bộ môn nghệ thuật đường phố này.

Triển lãm được duy trì liên tục trong hơn một thập kỉ và trở thành điểm đến quy tụ gần 700 tên tuổi hàng đầu trong thế giới street-art. Cũng vào năm 2002, nhờ sự thành công vang dội của bộ phim tài liệu Trumac có đề tài về sáng tạo graffiti, tên tuổi của MAC nổi khắp châu Âu từ Barcelona, Amsterdam cho đến Rome còn Kongo được coi là người thủ lĩnh trong phong trào graffiti tại Pháp.

Những chiếc khăn lụa Carthuộc bộ sưu tập “Graff” – dự án đánh dấu lần đầu chạm ngõ làng thời trang cao cấp thế giới của Kongo với “gã khổng lồ” Hermes.

Không ngừng thách thức giới hạn của bản thân

Là người tiên phong đưa nghệ thuật đường phố lên vị trí được công nhận, Kongo không ngừng học hỏi và trau dồi những kỹ năng của mình. Ông thách thức giới hạn của bản thân thông qua những dự án kết hợp graffiti với những ngành thủ công tiêu biểu ở mỗi quốc gia.

Điều này xoá nhoà ranh giới giữa nghệ thuật đường phố và nghệ thuật truyền thống nhằm tôn vinh tinh thần thời đại sống mãi trong dòng chảy thời gian của mỗi tác phẩm.

Nổi bật trong chuỗi dự án kết hợp với các nghệ nhân địa phương của Kongo phải kể đến dự án nghệ thuật trên vải batik truyền thống của Indonesia hay những hộp bọc độc bản để tôn vinh văn hoá Carribe.

Tuy nhiên, Kongo cho rằng sự nghiệp nghệ sỹ chỉ thực sự bắt đầu với triển lãm cá nhân đầu tiên tại phòng tranh Galerie Wallworks ở Paris vào năm 2011. Thời điểm đó là hai năm sau khi ông có tác phẩm được trưng bày tại Grand Palais danh giá – nơi từng trưng bày những tác phẩm nổi tiếng của Félix Vallotton, Cartier…

Sau những thành công trong sự nghiệp kéo dài hơn 3 thập kỷ, bước sang năm 2020, Kongo đã ghi danh trở thành nghệ sỹ đường phố đầu tiên có triển lãm cá nhân được trưng bày tại Grande Arche La Defense – không gian văn hoá nghệ thuật đương đại tiêu biểu.


Dấu ấn của Kongo trên tuyệt tác Richard Mille 68-01 Tourbillon.

Và cái kết “hái trái ngọt”…

Bằng tinh thần cầu thị và những nỗ lực không ngừng, Cyril Kongo đã làm thay đổi quan điểm của nhiều người về nghệ thuật đường phố. Ông đã đưa môn nghệ thuật này vượt xa khỏi khuôn khổ của nó khi sử dụng chiếc bình sơn màu trên mọi bề mặt dù là tường, vải, cửa sổ, thân cây, vỏ chai rượu, xe hơi hay thậm chí là máy bay.

Những tuyệt tác của Kongo luôn khiến giới mộ điệu phải trầm trồ. Nhận thấy sự tương đồng trong ngôn ngữ sáng tạo, Kongo liên tục được mời cộng tác với các “gã khổng lồ” trong ngành thời trang xa xỉ như Chanel, Hermès, Richard Mille…

Tên tuổi của Cyril Kongo giờ đây không còn chỉ giới hạn trong giới graffiti nữa mà đã sánh ngang với các nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội trong nhiều lĩnh vực chế tác, thiết kế thời trang cao cấp như Karl Lagerfeld, Kevin Seah…


Tác phẩm Coco thuộc bộ sưu tập Quai Voltaire Chanel của Kongo. Bộ sưu tập Quai Voltaire được hoàn thành tại studio cá nhân của Karl Lagerfeld, đánh dấu sự hợp tác giữa Kongo với thương hiệu thời trang cao cấp Chanel và là cảm hứng trực tiếp cho bộ sưu tập Chanel Métiers d’Art 2018/19 ra mắt vào cuối năm 2018 tại Bảo tàng Nghệ thuật Trung Tâm New York (The Met).

Khi được yêu cầu giới thiệu bản thân bằng một câu, Kongo đã không ngại ngần chia sẻ rằng: “Tôi là người sống để theo đuổi giấc mơ của mình chứ không phải là người chỉ mơ ước về cuộc sống của bản thân”.

Bằng ý chí mãnh liệt và những nghị lực phi người đàn ông gốc Việt này đã làm được những điều “kỳ tích” trong công cuộc thúc đẩy sự phát triển của graffiti và và truyền ngọn lửa đam mê cho những thế hệ nghệ sĩ tiếp theo.

Nam Thu

Theo Nhịp sống kinh tế

 

SHARE