Biết kiểm soát chi tiêu hiệu quả, chắc chắn làm nên đại sự!

26

Quản lý tài chính luôn là một vấn đề khó khăn đối với nhiều người bởi lẽ “tăng thu giảm chi” còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức kỷ luật của mỗi người.

Chỉ cần làm theo 5 bước sau, bạn chắc chắn sẽ có được NỀN TẢNG cho một tương lai tài chính thịnh vượng. Hãy làm đúng và đọc đến hết bước 5 nhé, không được sót/lệch bước nào, điều này vô cùng quan trọng!

Bước 1: Thống kê chi phí sinh hoạt hàng tháng

Có bao giờ bạn cảm thấy hết tiền mà “không biết đã tiêu vào việc gì, tiền ơi tiền đã đi đâu, sao mình đi làm bao nhiêu năm mà chẳng tiết kiệm được đồng nào” không?

Nếu có, thì đây là thời điểm thích hợp nhất; sau khi đọc bài này, hãy liệt kê ra các khoản chi tiêu và phân chúng vào từng nhóm. Trên Google có rất nhiều hướng dẫn về việc này như quy tắc 6 cái hũ, quy tắc 20/30/50, bạn có thể quản lý tài chính bằng sổ, excel, app, các tài khoản ngân hàng… Còn tôi, sau khi đã thử rất nhiều cách, hiện nay khá hài lòng với việc theo dõi qua file Excel.

Tôi chia chi phí làm 4 nhóm chính như sau:

1. Chi phí thiết yếu (ăn uống, xăng xe, điện thoại).

2. Quỹ từ thiện.

3. Phát sinh bắt buộc (cưới hỏi, sinh nhật, mua đồ dùng thiết bị gia đình, mua quà tặng người thân, bạn bè).

4. Đam mê: Tôi dành để mua sách, mua đàn, shopping, đi spa, nghe nhạc… Đây là khoản không bắt buộc, không cần thiết, nhưng nên có để tâm hồn luôn được “tưới tắm”, luôn yêu đời.

Sau khi thống kê và chia vào các nhóm, chắc chắn bạn sẽ giật mình vì nhiều khoản chi “thừa thãi” đấy. Không tin thử xem!

Bước 2: Đặt HẠN MỨC CHI TIÊU cho mỗi nhóm

Nếu không đặt hạn mức và chỉ chi tiêu theo cảm hứng, thì việc hết tiền là không tránh khỏi. Có một sự thật là: khi muốn tiêu gì đó, bạn luôn cảm thấy đó là khoản chi chính đáng. Kể cả nếu không, bạn sẽ tìm cho mình bằng được thật nhiều lý do cho đến khi bạn sở hữu nó trong tay. Nhưng… một thời gian sau, nhìn vào món đồ bạn lại thấy “thật phí tiền”, “sao lúc ý mình lại mua cái này nhỉ? Lẽ ra mình đã có thể tiết kiệm để tiêu vào việc khác chính đáng hơn…”.

Bạn có thể có các hạn mức khác nhau, không cần giống ai cả vì thu nhập và nhu cầu của mỗi người là khác nhau. Còn tôi, mỗi tháng có ngân sách 3 triệu. Chỉ 3 triệu! (Còn việc tại sao lại có thể sống được với 3 triệu thì xin mời bạn xem ở bước 5 nhé).

Bước 3: TIẾT KIỆM TRƯỚC – CHI TIÊU SAU

Tiền kiếm được, tiết kiệm – là để trả cho mình, chi tiêu – là để trả cho “hàng xóm”. Vậy bạn muốn trả công cho mình trước hay cho hàng xóm trước? Đây cũng là nguyên tắc đầu tiên trong cuốn sách “Người giàu nhất thành Babylon” mà tôi đọc được.

Có thể khoản tiết kiệm mỗi tháng của bạn không nhiều, nhưng đừng coi thường sức mạnh của nó nhé! Chỉ cần 10% thu nhập – và làm nó thật đều đặn, bạn sẽ GIÀU lúc nào không biết.

Bước 4: QUY TẮC “GIỎ HÀNG”

Điều này tôi tự nghĩ ra nhưng rất hữu hiệu và tôi vô cùng tâm đắc. Quy tắc này dành cho những lúc bạn “rất muốn”, “rất thích” mua một món đồ nào đó nhưng lại đắn đo có nên mua hay không vì tiếc tiền. Những lúc ấy phải làm thế nào? Làm sao để biết quyết định của mình có sáng suốt hay không?

Tôi rút ra bài học này nhờ khi mua hàng Online trên Tiki. Mỗi khi thích món gì, tôi lại nhặt nó vào Giỏ hàng của Tiki, rồi chờ gom nhiều món lại cho đơn nhiều nhiều mới bõ công đặt. Thế rồi tôi phát hiện ra là, sau vài hôm/vài tuần, những món đồ đã nhặt vào giỏ, tôi lại cảm thấy không cần thiết như lúc đó nữa; sau đó, tôi lại bỏ ra, và vui mừng vì đã tiết kiệm được kha khá tiền.

Vì thế, nếu như bạn đang đắn đo “Có nên mua hay không” với một món đồ nào đó, hãy nói với bản thân: “Ok, mình “sẽ mua” món này, nhưng không phải bây giờ! Mình sẽ mua nó vào tuần sau/ tháng sau/ 3 tháng sau” (tuỳ theo giá trị của món đồ nhé).

Việc này có 3 lợi ích:

1. Cảm giác “sẽ mua” chắc chắn dễ chịu hơn là “từ bỏ” phải không? Điều đó giúp bạn không rơi vào tình trạng “luôn nghĩ về món đồ”

2. Nếu sau một khoảng tgian mà bạn vẫn cảm thấy muốn mua, thì có lẽ đây đúng là món đồ cần thiết. Nhưng tin mình đi, 80% là bạn sẽ không mua nữa đâu.

3. Việc đặt ra một deadline sẽ giúp bạn có thời gian để chuẩn bị/tích luỹ tài chính nếu món đồ có giá trị lớn, thay vì đi vay hoặc tiêu thẻ tín dụng và ngập trong nợ nần. Cảm giác này chắc không dễ chịu đâu nhỉ?

Bước 5: Bước cuối cùng nhưng lại quan trọng nhất để bạn LUÔN CHI TIÊU TRONG NGÂN SÁCH

Đó là hãy liệt kê chi tiết tất cả các khoản chi (dù là nhỏ nhất).

Đến khi nào bạn thấy ô màu đỏ về số 0 tròn trĩnh, bạn có thể ngừng ghi chép. Đó là lý do mà tháng nào nhìn vào “sổ” của tôi, bạn cũng thấy tôi chỉ tiêu đúng 3 triệu – không lệch 1 xu.

Đùa vậy thôi! Nếu thấy số 0 ở ô màu đỏ to oạch kia kìa, thì bạn biết đó, đã đến lúc KHÔNG ĐƯỢC TIÊU GÌ NỮA (chứ không phải là không ghi chép nữa) cho đến khi sang tháng mới!

Chúc bạn luôn giàu có và đạt tự do tài chính!

Theo Anna Nguyễn

Báo Dân Sinh

SHARE