Trong số 100 tân binh, hàng chục người đã bỏ cuộc nhưng Nguyễn Vi Anh – cô gái gốc Việt nhỏ bé, đã vượt qua khóa huấn luyện khắc nghiệt trở thành nhân viên hải quân Mỹ.
4h sáng, Nguyễn Vi Anh, 30 tuổi, nhân viên y tế của Bệnh viện hải quân Balboa ở San Diego đang được điều động làm việc trên tàu bệnh viện USNS Mercy, dậy chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Từ khu vực nghỉ ở đuôi tàu, cô phải di chuyển lên khu vực căng tin ở phía đầu của con tàu cao 6 tầng, dài 272 m. Đây là một trong hai con tàu bệnh viện của Hải quân Mỹ được thiết kế để ứng phó với các tình huống khẩn cấp về y tế.
Hơn một tháng trước, con tàu bệnh viện lớn nhất thế giới này được điều đến Los Angeles, vì lo ngại thành phố này có thể thành tâm dịch Covid-19 như New York. Tàu nhận bệnh nhân thông thường để các bệnh viện trên bờ dồn sức chữa trị cho bệnh nhân dương tính với nCoV.
Trên tàu, Vi Anh được phân công vào đội đảm bảo bữa ăn cho bệnh nhân và quân nhân. Một ngày làm việc của cô bắt đầu từ 4h30 sáng đến 20h30. “Thời gian làm việc từ 14 đến 16 tiếng mỗi ngày nên sau giờ làm, tôi dành toàn bộ thời gian cho việc ngủ”, cô gái 30 tuổi chia sẻ.
Mới vào hải quân một năm nên lúc nhận tin được huy động làm nhiệm vụ trên tàu, Vi Anh thấy “bất ngờ và háo hức”. Song cô cũng lo vì mình ít kinh nghiệm. Lên tàu hôm 23/3 thì 14 ngày sau trên tàu có người nhiễm nCoV. Đến giữa tháng 4 đã có 7 trường hợp dương tính, khiến hơn 100 nhân viên y tế phải cách ly.
May mắn sau đó các chuyên viên y tế trên tàu khống chế dịch bệnh tốt nên không còn lây lan. Những ngày nghỉ, Vi Anh sẽ được chở về khách sạn nghỉ ngơi để giãn cách, giúp cô bớt lo hơn. Đến hiện tại, dịch bệnh tại Los Angeles về cơ bản được kiểm soát. Nhiều đồng nghiệp của Vi Anh được trở về nhà. Còn cô gái trẻ vẫn đang tiếp tục làm nhiệm vụ ở đây.
Những năm tháng của tuổi 20, cô gái quê Bà Rịa – Vũng Tàu này đã chọn con đường du học để được thỏa khát khao ngắm nhìn thế giới. Tốt nghiệp Đại học kiến trúc TP HCM, Vi Anh sang Mỹ theo học ngành Công nghệ và Kỹ thuật, tại Trường Houston Community College System, từ tháng 6/2014. Bốn năm vừa học vừa làm, song cô không ngần ngại từ bỏ ngành này khi tìm ra hướng đi nghề nghiệp cho mình.
“Một lần mình được nói chuyện với một anh lính tuyển quân. Anh kể về con đường binh nghiệp. Cách nói chuyện thu hút, thông minh, làm gì cũng nhanh nhẹn, dứt khoát và luôn tỏa ra năng lượng tích cực khiến mình muốn được trở thành những con người như anh ấy”, cô nhớ lại. Ngay sau cuộc trò chuyện, Vi Anh tìm hiểu về ngành quân sự và làm hồ sơ thi. Trải qua hơn nửa năm chờ đợi với nhiều vòng thi và kiểm tra nhân thân, sức khỏe, cuối cùng vì đạt điểm cao trong phần thi kiến thức, cô được chọn tham gia khóa huấn luyện theo ngành quân y vào tháng 12/2018.
Ngay khi chiếc xe bus thả hơn 100 tân binh trước cửa doanh trại, Vi Anh đã thấy chân mình muốn nhũn ra. Những sĩ quan huấn luyện cao to “chào mừng” tân binh bằng cách ghé sát mặt quát tháo, ra lệnh. Xuyên suốt những ngày sau đó, những tiếng la mắng trở thành một phần của huấn luyện, theo kiểu huấn nhục, để thử thách sức chịu đựng. “Bị mắng tôi hiểu được rằng không chỉ phải phản ứng đúng mà còn phải nhanh”, cô nói.
Vi Anh phải trải qua 8 tuần huấn luyện với mấy chục phần thi để trở thành lính hải quân, từ bơi, chữa cháy, kiến thức lịch sử, tàu biển, bắn súng, chạy, hít đất… Có những tân binh áp lực vì bị mắng, có những người khó khăn khi phải đối phó với việc thức khuya, ngủ muộn, hoạt động trong nhiều giờ với tốc độ nhanh, cảm giác đôi tay, đôi chân rời ra như không còn là của mình. Với cô gái Việt duy nhất trong khóa, khó khăn nhất là trải qua thời tiết khắc nghiệt.
Mùa đông năm ấy được xem là lạnh nhất 10 năm, nhiệt độ xuống đến âm 30 độ C. Vi Anh lớn lên ở Việt Nam, qua Mỹ bốn năm cũng ở nơi không quá lạnh. Nhưng vào bootcamp (trại huấn luyện tân binh), gần như ngày nào cũng phải đi bộ dưới trời tuyết trắng xóa. Những ngày ấy, cô liên tục bị chảy máu cam.
“Địa ngục” nhất là những ngày đi thi bơi. Cô phải đi bộ cả tiếng mới tới được bể bơi trong tiết trời cắt da cắt thịt. Chưa kịp thở đã ngay lập tức bị đẩy từ độ cao 3 mét xuống bể bơi. Nước xộc vào mũi, phải vận hết sức lực vào tay chân để bơi nhanh nhất về phao ở giữa bể. Ngồi lên được phao, người Vi Anh run lên bần bật.
Bootcamp đã đẩy những tân binh đến điểm tưởng như là giới hạn của năng lực cá nhân và vượt qua những gì họ nghĩ là giới hạn. Thi xong, tóc ướt, Vi Anh vẫn phải quấn lên, hòa cùng vào đội hành quân cả tiếng nữa để về chỗ ở. “Những lúc đi bộ dưới tuyết trắng xóa, tôi tự nói với bản thân đây là cảnh phải nhớ như in trong suốt cuộc đời. Sau này nếu có khó khăn quá, tôi sẽ nhớ đến cảnh này của ngày hôm nay để cố gắng nhiều hơn nữa”, cô nhớ lại.
Một “địa ngục” khác là nhiệm vụ cứu hỏa. Phần thi này thử thách sự can đảm của người lính cũng như cho thấy tác dụng của mặt nạ phòng độc, khi 100 tân binh bị lùa vào một phòng kín có hơi cay. Ban đầu đeo mặt nạ không cảm thấy gì, nhưng sau đó theo lệnh phải bỏ mặt nạ ra. Hơi cay lập tức xông mặt mũi, khiến ai nấy choáng váng. Vai Vi Anh bị đau từ phần huấn luyện chữa lửa, đến phần này cô cảm tưởng chân đứng không nổi, không quan tâm tới xung quanh, chỉ biết nghe theo hiệu lệnh.
“Phải chịu đựng hơi cay mấy chục giây. Ra ngoài ai nấy nước mắt mũi chảy thành dòng. Tận đến lúc đã xếp vào hàng lối tôi mới ý thức được mình đã vượt qua”, cô kể.
Vượt qua được 3 tuần đầu huấn luyện, Vi Anh bắt đầu thích nghi được và vượt qua quãng thời gian thử thách còn lại dễ dàng hơn. Trước khi tốt nghiệp, cô sẽ phải qua bài thi cuối cùng Battlestations – tập hợp tất cả những thử thách trong 2 tháng huấn luyện. Bài thi diễn ra từ 20 giờ đêm hôm trước cho đến sáng hôm sau.
“Battlestations giống như nồi nấu kim loại. Vô cùng mệt mỏi và căng thẳng. Cách tốt nhất giúp tôi vượt qua được là dựa vào đồng đội, bởi tôi và những người khác đều biết sẽ không ai có thể vượt qua được bootcamp nếu đi một mình”, cô chia sẻ. Hàng chục tân binh đã phải bỏ cuộc, còn cô gái nhỏ bé chỉ cao 1m53, nặng 48 cân này đã vượt qua được.
Ngày tốt nghiệp, Vi Anh lọt thỏm giữa những đồng đội với đủ màu da, tôn giáo. Trong ngày hôm đó, Vi Anh đã gọi về cho mẹ và em trai ở Việt Nam. Những gian khổ trong 2 tháng bị cắt hoàn toàn liên lạc, cô vốn định phải kể ngay cho mẹ, nhưng giờ này khi đã vượt qua, cô thấy kể khổ không còn ý nghĩa nữa.
“Mẹ tự hào về con. Mẹ ủng hộ con”, từ Vũng Tàu, mẹ cô nói.
Ra khỏi bootcamp, Vi Anh thấy mình khác biệt với con người trước rõ ràng như ngày và đêm, trở thành một con người nhanh nhẹn, tự tin vào bản thân. Không “ngủ quên trên chiến thắng”, cô bắt đầu luôn khóa học quân y diễn ra trong 19 tuần. Ngay từ đầu khóa, cô đã đặt mục tiêu “nhất định phải đứng đầu”.
“Các bạn đi xả stress sau khóa tân binh, tôi đã từ chối tất cả những lời mời đi chơi, dù biết làm phật lòng một số người. Nhưng trước khi đạt được mục tiêu, tôi không cho phép mình lười nhác”, Vi Anh nói và cho biết cô còn được giao quản lý học tập của khóa quân y 115.
Không nhận bản thân thông minh, nhưng sự cần cù thì có thừa. Ngày trong tuần cũng như cuối tuần trong hơn 4 tháng ấy, Vi Anh luôn ngủ sớm và dậy từ 2 giờ sáng để học bài, theo thói quen được mẹ rèn từ nhỏ. Nỗ lực bỏ ra đã được đền bù xứng đáng. Cô đã tốt nghiệp thủ khoa khóa với GPA 99/100%.
Tháng 7/2019, Vi Anh tốt nghiệp và chỉ hai tuần sau cô gái trẻ gốc Việt được nhận nhiệm vụ làm việc tại một trong những bệnh viện lớn nhất của hải quân Mỹ ở San Diego.
Làm một nhân viên y tế trong hải quân Mỹ cho phép Vi Anh được thỏa chí đi nhiều nơi. Cứ hai năm cô sẽ được chuyển chỗ làm một lần đến các trại lính Mỹ ở nhiều nơi trong nước Mỹ và thế giới từ California tới Hawaii, từ Nhật tới Italy, Hàn, Singapore, Đức…
Hiện tại cuộc sống của Vi Anh đã ổn định. Cô kết hôn với một người làm cùng bệnh viện. Cuối tháng 4 vừa qua, cô nhận quyết định lên trung sĩ, nhờ việc đứng hạng đầu khóa huấn luyện năm trước.
Dù vậy, cô gái vẫn chưa cho phép mình ngơi nghỉ. Mùa thu này cô sẽ quay lại trường học thêm bằng cấp để có thể tiến xa hơn trong sự nghiệp. “Có thể tôi không giàu có về vật chất, nhưng về trải nghiệm thì vô kể. Sau này nếu nhìn lại tuổi trẻ của mình, chắc chắn tôi sẽ hài lòng: Mình đã sống một cuộc đời xứng đáng”, cô nói.
Theo VnExpress