Tức giận, khóc lóc vì viết mãi chữ cũng chưa đẹp, chú tiểu được sư thầy dạy cho một đạo lý sâu sắc, đúng với tất cả chúng ta chứ không riêng một ai.
Ảnh minh họa.
Sự hoàn hảo
Vào một ngày nọ, tiểu hòa thượng bỗng ngồi khóc trên mặt đất, xung quanh cậu toàn là những tờ giấy lộn đã viết đầy chữ.
Lão hòa thượng thấy vậy bèn hỏi: “Sao vậy con?”
“Con viết chữ không đẹp”.
Lão hòa thượng nhặt vài tờ lên xem rồi nói: “Chữ con có đến nỗi nào đâu, sao con phải vứt giấy đi rồi còn ngồi đó khóc?”
Tiểu hòa thượng nức nở trả lời: “Con cảm thấy chữ con không đẹp chút nào. Con là người theo theo chủ nghĩa hoàn mỹ, không chịu được sai sót dù chỉ một chút xíu”.
Lão hòa thượng vỗ vỗ tiểu hòa thượng rồi ôn tồn nói: “Nhưng vấn đề là, có ai trên đời này có thể không sai sót dù chỉ một chút đây? Con muốn mọi thứ đều phải hoàn mỹ, nhưng nếu chỉ có một tý tẹo không vừa ý con, con liền tức giận, khóc lóc, việc này rõ ràng khiến con không còn hoàn mỹ nữa rồi”.
Bệnh sạch sẽ
Tiểu hòa thượng nhặt chỗ giấy ấy lên rồi đi rửa tay.
Sau đó soi gương, rửa lại mặt, rồi lại thay quần, mang đi giặt hết lần này đến lần khác.
Lão hòa thượng thấy thế liền hỏi: “Con đang làm gì vậy? Con giặt đi giặt lại như thế đã lãng phí mất nửa ngày trời rồi”.
Ảnh minh họa.
Tiểu hòa thượng đáp: “Con mắc bệnh sạch sẽ. Con không thể chịu nổi dù chỉ là một vết bẩn, thầy không phát hiện ra sao? Sau khi mỗi thí chủ rời đi, con đều sẽ lau sạch chiếc ghế họ vừa ngồi một lần”.
Sư phụ cười nói: “Đây gọi là bệnh sạch sẽ ư? Con chê trời bẩn, ghét đất dơ, ngại người hôi hám. Bề ngoài con tuy rằng gọn gàng sạch sẽ nhưng tâm con lại mang bệnh, như vậy thì không phải sạch sẽ nữa rồi”.
Khất thực
Tiểu hòa thượng muốn đi khất thực nên đã đặc biệt chọn một bộ quần áo sờn cũ để mặc.
Sư phụ thấy vậy bèn hỏi. “Sao con lại chọn bộ đồ này?”
Tiểu hòa thượng có chút không phục nói: “Chẳng phải sư phụ nói con đừng quá để ý đến vẻ bề ngoài hay sao, nên con mới mặc bộ quần áo đã sờn rách này. Hơn nữa mặc như vậy, các thí chủ mới rủ lòng thương mà cho chúng ta nhiều tiền hơn”.
Sư phụ trừng mắt nói: “Con đây là đi khất thực hay đi ăn xin? Con hy vọng mọi người thấy con đáng thương nên giúp đỡ con hay là hy vọng mọi người thấy con có năng lực nên muốn thông qua con để con cứu giúp hàng nghìn người khác nữa?”
Thiền viện ở giữa đất trời
Sau này, khi lão hòa thượng viên tịch, tiểu hòa thượng thay ông trở thành trụ trì.
Cậu luôn mặc quần áo chỉnh tề, cầm theo hộp thuốc chữa bệnh, đi đến những nơi hỗn loạn, nghèo khó nhất để sát trùng, thay thuốc cho những người bệnh tật nơi đây, sau đó mang theo bộ dáng lem luốc trở về núi.
Cậu cũng luôn tự mình đi khất thực, nhưng là vừa nhận tiền bố thí, vừa giúp đỡ những người có hoàn cảnh đáng thương.
Ảnh minh họa.
Cậu cũng rất ít khi ở lại thiền viện, nên thiền viện cũng không xây dựng mở rộng thêm.
Nhưng những người tín nhiệm câu lại ngày một đông hơn, họ cùng cậu lên núi xuống biển, đến cả vùng thôn quê hẻo lánh và hải đảo xa xôi.
Tiểu hòa thượng nói: “Khi sư phụ còn sống, người đã dạy tôi hiểu thế nào mới là hoàn hảo, người nói hoàn hảo chính là mong cho thế giới này được hoàn mỹ trọn vẹn.
Sư phụ cũng dạy cho tôi biết thế nào là sạch sẽ. Sạch sẽ là giúp đỡ những người đang bị vấy bẩn trở nên thanh sạch hơn.
Sư phụ còn dạy tôi thế nào là khất thực. Khất thực là kết nối mọi người cùng chung tay giúp đỡ lẫn nhau, để mọi người đến gần nhau hơn”.
“Còn thế nào là thiền viện, thiền viện không nhất định phải ở nơi núi rừng, mà nên ở khắp mọi nơi. Đông tây nam bắc, đều là nơi ta hoằng pháp, ngay giữa đất trời cũng chính là thiền viện của ta”.
Theo Khánh An
Trí thức trẻ