Neil deGrasse Tyson, một nhà Vật lý thiên văn, vũ trụ học nổi tiếng người Mỹ cho rằng, cha mẹ hiện đại đang kiểm soát mọi thứ và “điều khiển” con cái lớn lên theo quỹ đạo mà họ kỳ vọng.
Ông cũng chính là người đã tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng điều tốt nhất cha mẹ có thể làm khi nuôi dạy con cái mình, đơn giản là tránh sang một bên trên hành trình lớn lên của chúng” .
Trong một bài nói chuyện, Neil deGrasse Tyson khẳng định, sự tò mò và hăng say khám phá những điều mới mẻ chính là chìa khóa để ươm mầm cho một nhà khoa học tương lai. Tuy nhiên, cha mẹ luôn tỏ ra cáu gắt khi trẻ muốn tìm kiếm hay khám phá một điều gì mới.
Trẻ em là những nhà khoa học bẩm sinh. Lúc nào lũ trẻ cũng lật những hòn đá lên, bứt cánh mấy bông hoa. Chúng làm những việc mà chúng ta thường nhìn là “phá hoại”. Nhưng đó là một kiểu khám phá.
Nếu tách rời mọi thứ ra, bạn có thể biết cách lắp lại như cũ. Đó là việc những đứa trẻ hay làm. Một nhà khoa học trưởng thành đều là một đứa trẻ không bao giờ lớn lên. Đó là việc một nhà khoa học trưởng thành làm.
Ở nhà, bọn trẻ mở tủ lạnh lấy một quả trứng tung hứng lên xuống. Việc đầu tiên các bậc phụ huynh làm là gì?
“Đừng có nghịch trứng! Vỡ bây giờ. Cất lại ngay!”.
Thật ra, đây là một thí nghiệm về sức bền vật liệu.
Hãy để trẻ tự khám phá ra rằng khi trứng rơi, nó sẽ vỡ. Đây là một thí nghiệm vật lý. Và nó cũng có thể trở thành thí nghiệm sinh học rất nhanh.
Khi đó lòng trắng và lòng đỏ sẽ chảy ra. Bạn nói với trẻ: “Này con. Lòng trắng và đỏ sẽ biến thành con gà đấy!”.
“Mà sao lòng đỏ này lại biến thành con gà được nhỉ?”.
“Chà, sinh học đấy! Tìm hiểu thử xem”.
Và quá trứng giá bao nhiêu tiền? Nó không đáng kể nhưng đổi lại trẻ được trải nghiệm và tư duy.
Chủ tịch Trường Đại học Havard từng nói: “Nếu bạn nghĩ giáo dục đắt đỏ, cứ thử trả giá cho sự ngu dốt xem!”. Chúng ta không có đủ những ông bố, bà mẹ hiểu được hoặc biết cách trân trọng bản tính hiếu kì của con cái họ vì họ muốn duy trì trật tự trong nhà.
Khi những đứa trẻ vào bếp, bày bừa hết nồi niêu xoong chảo ra và gõ loảng xoảng, các vị phụ huynh sẽ nói gì đầu tiên? “Đừng có làm ồn nữa! Ồn ào quá! Con làm bẩn hết nồi niêu rồi!”.
Bạn vừa phá hỏng một thí nghiệm về âm thanh đấy! Vì vậy tôi không lo lắng cho trẻ em.
Mọi người thường hỏi: “Tôi phải làm gì để con tôi yêu khoa học đây?”. Thật ra, trẻ con đã yêu khoa học sẵn rồi. Vấn đề là ở chính các vị phụ huynh.
Thực tế, sự tò mò và hăng say khám phá những điều mới mẻ chính là chìa khóa để ươm mầm cho một nhà khoa học tương lai.
Thúy Nga (Theo Goalcast)