Tung đồng xu để có cơ hội lấy 100.000 USD hay từ chối để nhận ngay 10.000 USD? Câu trả lời sẽ cho bạn biết an toàn hay mạo hiểm mới là chìa khóa cho thành công lâu dài

32

Mỗi quyết định đều đem lại những rủi ro không ai có thể lường trước được. Việc đánh giá đúng rủi ro sẽ giúp bạn dễ dàng chấp nhận kết quả cuối cùng, dù thành công hay thất bại.

Cuộc sống là một chuỗi những giao dịch: Mọi thứ bạn làm đều phải trả giá bằng một thứ khác.

Nhiều lựa chọn trong số đó, đặc biệt là những thứ liên quan tới cuộc sống thường ngày, khá vô nghĩa. Chẳng hạn, dù bạn chọn chuối hay táo cho bữa ăn xế, điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì tới cuộc đời bạn về lâu dài.

Tuy nhiên, có những lựa chọn đem lại tác động vô cùng lớn lao. Giả sử bạn được đề nghị một công việc thú vị, nhưng bạn sẽ phải chuyển đến một thành phố khác mình không thích nếu chấp nhận. Bạn chỉ có vài ngày để quyết định. Vậy bạn nên làm gì?

Để có thể đưa ra quyết định tốt nhất có thể – quyết định giúp bạn tới gần hơn với cuộc sống mơ ước của mình, bạn cần biết về rủi ro. Nhưng để làm điều này, trước tiên bạn phải hiểu tại sao chúng ta lại rất tệ trong việc đánh giá nó. Có 3 lý do chính cho việc này:

Lý do đầu tiên là chúng ta không biết xác định rủi ro như thế nào. Chúng ta thường liên hệ rủi ro với “nguy hiểm, nhưng thực tế là cuộc sống luôn đầy những bất định. Rủi ro có mặt ở khắp mọi nơi, vì thế chúng ta nên rèn kỹ năng phân tích nó.

Lý do thứ hai là chúng ta không biết tính toán rủi ro như thế nào. Thực ra, đó đơn giản chỉ là toán học. Giả sử bạn phải lựa chọn giữa 2 phương án sau :

– Bạn tung đồng xu, nếu ra mặt ngửa, bạn sẽ có 100.000 USD; nếu ra mặt sấp, bạn sẽ chẳng có gì cả.

– Bạn không tung đồng xu và nhận luôn 10.000 USD tiền đảm bảo.

Việc bạn có 10.000 USD là kết quả chắc chắn sẽ xảy ra – đó chính là lý do tại sao hầu hết mọi người đều chọn phương án nhận số tiền này. Trong con mắt của một nhà kinh tế học, 10.000 USD đó chính là một “khoản chắc chắn tương đương”. Theo như trang web tài chính Investopia, thuật ngữ này có nghĩa là “một khoản lợi nhuận đảm bảo mà một người sẽ chấp nhận ngay bây giờ thay vì cơ hội có được một khoản lợi nhuận cao hơn trong tương lai nhưng không chắc chắn”.

Xung quanh chúng ta đều là những “khoản chắc chắn tương đương” này. Bạn trả công ty bảo hiểm 50 USD/tháng để tránh mất một khoản tiền lớn nếu xe bị hư hại. Bạn đến nhà hàng yêu thích của mình thay vì quán ăn gần nhà vì muốn đảm bảo sẽ có một bữa ăn ngon. Trong công việc, nếu sếp đề nghị tăng lương 10% để giữ chân bạn, bạn sẽ ở lại. Bạn đã quen với công việc và đồng nghiệp – tại sao lại bỏ việc chỉ vì một vị trí mà bạn chưa biết chắc có tốt hơn hay không?

Tuy nhiên, nếu phân tích rủi ro thông qua những con số, bạn sẽ thấy việc chấp nhận rủi ro không phải là không có lợi. Người ta gọi đó là “giá trị mong đợi”.

– Cơ hội để bạn thắng 100.000 USD là 50% (hoặc 0,5 theo toán học).

– Cơ hội để bạn thắng 0 USD cũng là 50%.

– Để có kết quả trung bình, hãy gộp hai thứ lại: 100.000 USD x 0,5 + 0 USD x 0,5 = 50.000 USD.

Dĩ nhiên, ai cũng sẽ bực mình nếu rơi vào trường hợp không nhận được đồng nào. Bạn sẽ cảm thấy bực bội đến mức không muốn cá cược thêm lần nào khác. Tuy nhiên, càng cược nhiều lần, bạn sẽ càng tiến gần hơn tới con số 50.000 USD/vòng. Vì thế, chọn phương án tung đồng xu liên tục thay vì chọn 10.000 USD sẽ tối đa hóa thu nhập của bạn.

Lý do thứ ba và cũng là cuối cùng: Chúng ta rất tệ trong trong việc đánh giá rủi ro – kết quả từ hai điều trên. Chúng ta thường loại bỏ thực tế là chọn cái này thì sẽ mất cái kia. Chưa kể, thứ mà chúng ta có được từ phương án B sẽ biến mất, cùng với rủi ro mà nó đem lại, khi chúng ta chọn phương án A. Vì thế, chúng ta sẽ có xu hướng nghiêng về phía phương án an toàn nhiều hơn mức chúng ta nên làm, để rồi phải trả một cái giá rất đắt sau này: hối hận.

Dù không phải lựa chọn nào cũng có thể phân tích bằng những con số khô khan, bạn có thể rèn cho bản thân kỹ năng để đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn. Hãy tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn chấp nhận rủi ro và thất bại. Liệu bạn có sẵn sàng đối mặt với nó không? Liệu bạn có thể bỏ qua một bữa ăn dở tệ cùng bạn bè và hy vọng nhà hàng mới tiếp theo sẽ thật tuyệt vời? Liệu bạn có cảm thấy thỏa mãn sau khi chuyển sang một công việc hóa ra lại không được như ý lắm?

Nếu câu trả lời là có, hãy tưởng tưởng điều gì sẽ đến nếu điều ngược lại xảy ra. Hãy tưởng tượng rằng bạn thành công. Ở đâu đó trong những cơ hội ngoài kia chính là cuộc sống tuyệt vời bạn hằng mong ước. Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy được nó nếu không dám chấp nhận rủi ro.

(Theo Medium)
Ngọc Hà

Theo Trí thức trẻ

SHARE